Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Kinh nghiệm cho mẹ để bé không bị bẹt đầu

Bẹt (méo) đầu là hiện tượng rất dễ gặp ở bé. Vài mẹo đơn giản dưới đây giúp bạn khắc phục được chuyện này.
Kinh nghiệm cho mẹ để bé không bị bẹt đầu
Cho bé nằm sấp khi thức giấc: Gợi ý đầu tiên của các chuyên gia là nên cho bé có cơ hội nằm sấp khi thức. Bởi vì nằm sấp lúc thức không chỉ giúp bé phát triển các cơ đầu, cơ cổ mà còn tránh hình thành điểm lõm trên đầu. Tuy nhiên, bạn không được đặt bé nằm sấp trong cũi và rời khỏi phòng.
Nằm sấp vui chơi: Có rất nhiều loại đồ chơi khuyến khích hoạt động nằm sấp ở bé, chẳng hạn thảm đồ chơi, lều đồ chơi, gương đồ chơi bằng nhựa…
Thay đổi vị trí nằm: Nếu bạn thường xuyên đặt bé ngủ ở một bên đầu trong một tuần thì sang tuần sau, bạn cần xoay đầu bé về hướng đối diện.
Sắp xếp lại đồ chơi treo cũi: Với những đồ chơi gắn ở cũi, cha mẹ nên thỉnh thoảng đổi vị trí của đồ chơi cho bé. Với vị trí mới, bé phải xoay đầu và hướng mắt sang chỗ khác – tránh tình trạng đầu luôn ở một tư thế trong thời gian dài.
Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên đổi vị trí nôi (cũi) cho bé. Chẳng hạn, với những bé thích hướng ra cửa để nhìn bố mẹ thì bạn có thể xoay ngược lại cũi.

Cuộc sống của bé trong bụng mẹ

Có bao giờ bạn thắc mắc ở trong bụng mẹ bé làm những gì chưa? Hãy cùng tìm hiểu cách di chuyển và những trải nghiệm cuộc sống của bé trong bụng mẹ.
Cuộc sống của bé trong bụng mẹ

Ngủ và thức

Từ rất sớm trong thai kỳ, bào thai đã giống như một bé sơ sinh. Bé ngủ, di chuyển xung quanh, lắng nghe âm thanh, có suy nghĩ và ký ức.
Cũng giống bé sơ sinh, thai nhi dành phần lớn thời gian ngủ để ngủ. Ở tuần thứ 32, em bé của bạn ngủ 90-95% thời gian trong ngày. Một số thời gian trong số đó dành cho giấc ngủ sâu, một số là giấc ngủ REM (trong giấc ngủ REM, đôi mắt của bé chuyển động qua lại giống như mắt của người lớn) và số còn lại chưa xác định (kết quả của bộ não chưa trưởng thành).
Một số nhà khoa học tin rằng, bao thai cũng nằm mơ khi ngủ. Cũng giống như bé sơ sinh, bào thai có thể mơ về những gì bé biết, như cảm giác của bé trong tử cung mẹ.
Càng gần đến ngày sinh, bé chỉ dành 85-90% thời gian cho giấc ngủ, tương tự bé sơ sinh.

Chuyển động

Khoảng tuần thứ 9 của thai kỳ, bé bắt đầu có cử động. Những cử động này được nhìn thấy bởi siêu âm cho dù người mẹ phải mất vài tuần nữa mới cảm nhận được. Ở tuần thứ 13, bé của bạn có thể đặt một ngón tay cái vào miệng, dù các cơ mút chưa hoàn toàn phát triển.
Sự chuyển động đầu tiên ở bé là không tự nguyện, chuyển động tự nguyện xảy ra ở tuần thứ 16. Sau thời điểm này, dù thức hay ngủ, em bé của bạn có thể cử động 50 lần (hoặc hơn) mỗi tiếng đồng hồ, co – duỗi cơ thể, chuyển động đầu, mặt, chân tay và khám phá sự ấm áp, ẩm ướt trong “ngôi nhà” của mình bằng cách chạm vào. Bé có thể sờ mặt mình, chạm vào tay kia. Đạp chân, co chân lại gần chân kia hoặc chạm tay vào dây rốn. Đến tuần thứ 37, sự phối hợp phát triển đủ để bé nắm được các ngón tay.
Cùng với các chuyển động thông thường, bé có vài hành động ngạc nhiên như liếm thành tử cung và “đi bộ” xung quanh bằng cách đẩy đôi chân của mình.
Bào thai cũng chuyển động tương ứng với các hành động của mẹ. Ví dụ, siêu âm cho thấy bào thai nảy lên khi mẹ cười. Khi mẹ cười nhiều hơn, bào thai nảy lên – xuống nhanh hơn.
Những bé thứ hai thường có khả năng duỗi dài trong bụng mẹ bởi tử cung mẹ đã lớn hơn sau lần sinh đầu tiên. Những bé này thường vận động nhiều hơn. Đến tuần thứ 29, bạn có cảm giác bào thai di chuyển ít nhất 10 lần mỗi giờ đồng hồ.

Học hỏi và ghi nhớ

Cùng với khả năng cảm nhận, nhìn, lắng nghe, bào thai còn có khả năng học hỏi và ghi nhớ. Ví dụ, bào thai bị giật mình bởi tiếng động lớn nhưng sẽ thôi không giật mình nếu tiếng ồn lặp đi lặp lại nhiều lần. Cặp song sinh ở tuần thứ 20 có thể phát triển thói quen nhất định và tiếp tục duy trì chúng sau khi chào đời. Nghiên cứu cho thấy, bé còn có thể cảm nhận và ghi nhớ trạng thái cảm xúc của mẹ.
Bé sơ sinh không chỉ phân biệt được giọng nói của mẹ với người lạ mà còn rất thích nghe mẹ nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ hơn là nghe thấy ai đó nói tiếng nước ngoài.
Em bé trong bụng sẽ có phản ứng với âm thanh tổng thể từ giọng nói và những câu chuyện, chứ không phải từ việc hiểu ngôn ngữ. Nhưng kết luận là như nhau: thai nhi có thể lắng nghe, học hỏi, ghi nhớ ở một số cấp độ.

Bà bầu phù chân phải đi khám ngay

Phù chân là dấu hiệu của tiền sản giật, thường xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị sớm, mẹ và thai nhi có thể gặp nguy hiểm.
Bà bầu phù chân phải đi khám ngay
Theo tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, rất nhiều người chỉ quan niệm phù chân là hiện tượng bình thường khi có thai mà không biết phù chân ở thai phụ cũng là bệnh lý.

Dấu hiệu của bệnh tật

Theo bác sĩ Cường, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân ở phụ nữ mang thai. Nếu thai phụ có sẵn có tiền sử bệnh tim, bệnh thận thì đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân. Hoặc nếu thai phụ ở nông thôn, ăn uống không đủ chất cũng có thể gây ra tình trạng này. Ngoài những nguyên nhân bệnh lý vừa kể trên, phụ nữ mang thai bị phù chân còn có nguyên nhân phù do tiền sản giật và phù do chèn ép.
Bác sĩ Lưu Thị Kim Dung, Phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm Y tế Lao động, cho biết tử cung của người phụ nữ từ lúc chưa mang thai đến có thai tăng đến 50 lần về khối lượng, khối lượng này chèn ép lên các tĩnh mạch ở chân, gây ra hiện tượng phù chân. Ngoài ra có thể do tư thế khi làm việc phải ngồi hoặc đứng quá nhiều. Với nguyên nhân này, chỉ cần thai phụ thay đổi tư thế như nằm nghiêng sang bên trái, gác chân lên cao để tử cung đỡ đè vào tuần hoàn, gây ứ đọng máu ở tĩnh mạch thì hiện tượng này sẽ dừng ngay. Tuy nhiên, nếu đã thay đổi tư thế mà hiện tượng không hết, thì đó có thể là do tiền sản giật.

Nên đi khám ngay

Bác sĩ Cường khuyến cáo, khi thai phụ có cảm giác người nặng nề, mí mắt nặng, chân nặng, da bóng, mất hết các nếp nhăn ở cổ tay, cổ chân, mặt tròn trịa thì nên đến bác sĩ sản khoa để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, thai phụ cũng nên lưu ý quá trình tăng cân. Ở những tháng cuối chỉ nên tăng không quá 0,5 kg mỗi tuần, nếu vượt thì cũng là dấu hiệu thai phụ đã bị phù do tiền sản giật. Ngoài ra, đa số hiện tượng phù chân do tiền sản giật gây ra xuất hiện trong quý thứ ba của thai kỳ. Vì vậy, nếu thai phụ không có tiền sử các bệnh về tim, thận, khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng lại xuất hiện phù, nhất là trong ba tháng cuối thì có thể do tiền sản giật.
Bác sĩ cũng khuyến cáo tiền sản giật là ca cấp cứu trong sản khoa, biến chứng rất nhiều, rất nhanh và rất nặng cho cả mẹ và con. Đối với mẹ thì có thể gây tử vong, đối với thai nhi thì chậm phát triển trong tử cung và nguy cơ chết lưu. Vì vậy, chẩn đoán sớm để phát hiện là rất quan trọng. Nếu như được phát hiện sớm ở giai đoạn nhẹ thì sẽ giảm bớt được rất nhiều nguy cơ, phù sẽ mất đi, tình trạng thai nghén sẽ dần trở lại bình thường.
Để giảm bớt hiện tượng phù chân, thai phụ nên nằm nghiêng sang trái để tử cung không chèn vào động mạch chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu, khi nghỉ ngơi nên gác chân lên cao. Về chế độ dinh dưỡng, bà bầu nên ăn nhạt, tránh các thức ăn nhiều muối, thức ăn cay. Thai phụ cũng nên tập thể dục nhẹ nhàng, trước khi đi ngủ ngâm chân trong nước nóng cũng có thể làm giảm phù chân.

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Những loại củ, quả không tốt cho phụ nữ mang thai

Một số loại trái cây phụ nữ mang thai ăn vào có thể bị tăng nhiệt bào thai, gây co bóp tử cung, thậm chí có thể gây khuyết tật bào thai hoặc sẩy thai.
Quả táo mèo
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học,  quả táo mèo làm hưng phấn tử cung, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, gây sẩy thai và sinh non ở thai phụ.
Quả nhãn
Theo đông y, quả nhãn tính ôn, vị ngọt, rất dễ trợ hỏa bởi vậy sẽ có hại cho thai phụ, gây tăng nhiệt cho thai, dễ gây ra khí huyết không điều hòa, làm cho vị khí ngược lên, dẫn đến nôn mửa.
Ăn quả nhãn hoặc long nhãn trong một thời gian dài sẽ hại đến âm, xuất hiện hiện tượng nhiệt, đau bụng, xuất huyết, dấu hiệu của sẩy thai, sinh non.
Khoai tây
Củ khoai tây, nhất là khoai tây đã mọc mầm xanh có chứa một độc tố gọi là solaninne (còn gọi là chất kiềm sinh vật). Phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều khoai tây có chứa kiềm sinh vật khá cao, chất kiềm này sẽ tích lũy trong cơ thể và gây hiệu ứng dị tật, ăn 44,2 - 252g khoai tây có thể làm cho thai nhi dị dạng.
Rau chân vịt
Rau chân vịt làm cản trở hấp thu chất sắt dẫn đến thiếu máu. Nguyên nhân, do rau chân vịt có nhiều axít làm cho chất sắt của nó không được ruột non hấp thu, thậm chí còn bị đẩy ra khỏi cơ thể. Ăn rau chân vịt càng nhiều càng gây trở ngại cho việc thu chất sắt, khiến tình trạng thiếu máu nặng thêm.
Lạc
Ăn lạc trong thời kỳ thai nghén làm  tăng các loại bệnh dị ứng, đặc biệt là dị ứng bào thai. Ăn lạc trong thời gian mang thai còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng cho trẻ nhỏ sau này.
Quả đào
Quả đào có vị ngọt, tính nóng cho nên, nếu ăn nhiều đào, bà bầu dễ bị xuất huyết. Lông ở vỏ quả đào rất dễ gây ngứa, rát cổ họng.
Đu đủ xanh
Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đu đủ xanh hoặc thường chứa rất nhiều enzymes và mủ, có thể gây nên sự co thắt tử cung với hậu quả là sẽ gây sẩy thai.
Gừng, ớt
Gừng ớt gây nóng trong nên dễ gây hiện tượng táo bón. Hoạt chất gingerol trong gừng gây mỏng mạch máu và có thể góp phần gây ra hiện tượng máu đóng cục. Vì thế thai phụ dùng lâu không có lợi. Phụ nữ trong thời kỳ thai nghén có thể dùng gừng nhưng không được quá 4 ngày.
Bên cạnh đó, một số loại trái cây rất tốt cho thai phụ đó là:
Quả táo chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: axit maclic, tannin... ăn nhiều táo có thể tăng cường sức đề kháng cho thai nhi mặt khác còn giúp bà bầu giữ dáng người tránh thừa cân, béo phì.
Quả lựu, đặc biệt là nước ép quả lựu rất tốt cho thai phụ và sự phát triển trí não của thai nhi, giúp đứa trẻ sinh ra giảm nguy cơ bị tổn thương ở não do là quả lựu chứa hàm lượng cao polyphenol có khả năng chống lão hóa và bảo vệ thần kinh. Tuy nhiên, phụ nữ thiếu máu nên hạn chế ăn quả lựu.
Quả bơ rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, bà bầu ăn nhiều quả bơ trong 3 tháng đầu sẽ sinh con thông minh hơn.
Các loại như dứa, chuối, vải rất tốt nhưng lưu ý với những thai phụ mắc bệnh tiểu đường và thừa cân vì những loại quả này có hàm lượng đường cao.
Dưa hấu giúp lợi tiểu nhưng nếu ăn quá nhiều lại dễ dàng bị mất nước do cơ thể bài tiết quá nhanh và nhiều lượng nước ra ngoài.