Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Trẻ sơ sinh bị táo bón -Xử trí thế nào?


Những ngày đầu sau khi chào đời, phân của bé thường có màu xanh đen do chứa lẫn meconium – một chất bị tích ở ruột từ khoảng thời gian bé nằm trong bụng mẹ.
Trẻ sơ sinh bị táo bón  Xử trí thế nào?
Sau đó, phân sẽ thay đổi màu sắc và tính chất, mềm và chứa nhiều nước hơn.
Triệu chứng khi bé mắc táo bón.
Tần suất đi tiêu ở bé sơ sinh khá đa dạng (khác nhau giữa bé này với bé khác hoặc thời điểm này với thời điểm khác): có bé đi tiêu ngày 6-8 lần nhưng cũng có bé 2-3 ngày (hoặc hơn) mới đi một lần.
Việc chẩn đoán và xác định bé có bị táo không là điều khá khó khăn, nhiều trường hợp, cha mẹ cho rằng, bé đang mắc táo bón nhưng không phải như vậy.
Nhóm bé bú mẹ hoàn toàn hiếm hoặc hầu như không bị táo bón. Có thể tham khảo một số dấu hiệu dưới đây cảnh báo tình trạng táo bón ở bé sơ sinh:
- Vài ngày hoặc có khi cả tuần, bé mới đi tiêu một lần. Tình trạng này kéo dài hai tuần liên tục hoặc hơn.
- Đi tiêu ra phân cứng, đóng thành từng cục nhỏ; bé quấy khóc và rất vất vả mới đi tiêu được.

Cách xử trí.

Massage không chỉ tốt cho bé đang bị táo bón mà nó còn là biện pháp giúp ngăn ngừa táo bón. Bé 2-3 tuần tuổi là bạn có thể sử dụng cách massage. Chọn lúc bé thoải mái nhất, không bị no hay đói quá để tiến hành massage. Trước tiên, bạn nên làm ấm bàn tay rồi nhẹ nhàng xoa lên – xoa xuống hai bên sườn cho bé. Tiếp đến, xoa thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trên bụng bé và ngược lại. Nắn nhẹ chân bé, giúp bé co đầu gối, ép nhẹ đầu gối lên bụng bé rồi lại duỗi chân ra. Có thể thực hiện 2 lần một ngày, mỗi lần khoảng 5 phút.
Tăng cường các cữ bú mẹ trong ngày vì táo bón có thể bắt nguồn từ việc thiếu chất lỏng trong cơ thể bé. Nếu bé bú bình, bạn không nên pha loãng sữa vì cách này chỉ hợp với bé bị tiêu chảy – khi hệ tiêu hóa yếu và pha loãng sữa để cơ thể dễ hấp thu.
Với bé 3-4 tháng tuổi, có thể cho bé uống thêm chút nước táo, lê hoặc mận ép được pha loãng, mỗi ngày 1-2 lần. Những loại nước này có tác dụng làm mềm phân, dễ đi tiêu.
Nhiều người mẹ chia sẻ, họ thường dùng đầu tăm bông (hoặc một cọng hành lá tươi), nhúng chút mật ong để thụt hậu môn cho bé và phương pháp này tỏ ra khá hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên, không nên lạm dụng cách thụt hậu môn cho bé (dưới bất kỳ hình thức nào).
Nếu thực hiện hành động này thường xuyên, bé sẽ có phản xạ xấu, tức là chờ được thụt mới chịu đi tiêu.
Tốt nhất, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu tình trạng táo bón ở bé tiến triển xấu.

Chữa táo bón ở trẻ sơ sinh


Thứ nhất khoảng 4 tháng đầu tiên mà thường hay gặp ở tuần thứ 2 hoặc tháng thứ 2 , các em bé tự nhiên 2, 3 ngày không ị => rất hay gặp tỷ lệ khoảng 7/10 bé ==> đừng vội sốt ruột chữa trị theo nhiều phương pháp khác nhau.

Hãy xem bé đi ị có rặn đỏ mặt không, phân cứng... thì đó là táo bón==> hãy dùng thuốc theo đơn bác sỹ (chỉ nên uống men tiêu hóa thôi)

Nếu không phải táo bón thì chỉ do bé ăn ít, hoặc hấp thụ tốt (cái này thì cân bé thường xuyên sẽ biết) => 3 ngày mới đi là chuyện thường  => cho ăn thêm nhiều bé sẽ đi ị đều hơn. Những bé bú mẹ nhiều sẽ không gặp hiện tượng táo bón này. Hầu hết bác sỹ đều khẳng định và qua nghiên cứu cho thấy rằng sữa mẹ không gây táo bón.

Nếu bé táo bón quá  => Xoa bụng quanh rốn sau đó ngâm đít bé vào chậu nước nóng (cẩn thận không lại bỏng bé nhé), bé sẽ đi được, hoặc lấy tăm bông chấm mật ong pha nước ấm tỷ lệ 1mật ong 3 nước và bôi vào lỗ hậu môn bé để tạo phản xạ ị cho bé

Việc phải thụt hậu môn là bất đắc dĩ và không nên làm sẽ gây phản xạ không tốt cho bé.

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Làm gì khi bé không chịu ngủ và quấy khóc?

Những đêm dài mất ngủ là tai ương trong cuộc sống của tất cả những người mới làm cha mẹ. Nhưng có những trường hợp, nỗi kinh hoàng kéo dài hằng năm chứ không phải hằng tháng. Đặc biệt trong giai đoạn vừa mới sinh con, các bà mẹ luôn phải đau đầu khi không biết làm thếnào để bé chịu ngủ liền mạch và quấy khóc. 
Làm thế nào để bé ngủ được là một nhiệm vụ rất khó khăn của các bậc cha mẹ. Ai cũng mong mỏi một đêm nào đó có thể đặt bé xuống một cách dễ dàng và trẻ ngủ liền một mạch.
Sau đây là một số phương pháp giúp cha mẹ luyện cho bé ngủ ngon.
Phương pháp Ferber
Đây là một kỹ thuật khá nổi tiếng mang tên Ferber - tác giả cuốn sách Giải quyết vấn đề ngủ của trẻ.
Sử dụng phương pháp này, hãy đặt bé lên giường khi bé còn thức, nhưng đã tỏ ra mệt và muốn ngủ, sau đó rời khỏi phòng. Tất nhiên có thể bé sẽ không tự ngủ được và khóc toáng lên. Đợi 5 phút và quay lại phòng, vỗ về an ủi bé nhưng không được bế bé lên. Chỉ ở với bé trong thời gian ngắn, khoảng 2-3 phút, sau đó lại rời khỏi phòng và lần này chờ lâu hơn, 10 phút. Sau đó tiếp tục quay lại vỗ về bé nhưng không được bế bé lên.
Nếu bé chưa ngủ thì tiếp tục thực hiện lặp lại với quãng thời gian là 15 phút mỗi lần, đến khi nào bé tự ngủ thì thôi. Nếu bé thức giấc giữa đêm và lại khóc thì tiếp tục thực hiện như thế.
Đêm thứ hai hãy bắt đầu đợi 10 phút ngay ở lần đầu tiên và nâng dần 15, 20 phút. Sau đó cứ mỗi đêm lại tăng dần thời gian chờ 5 phút một. Đến lúc trẻ biết tự ngủ thì thôi.
Phương pháp này đòi hỏi cha mẹ phải rất thư giãn trước khi tiến hành, thật sự kiên nhẫn và quyết tâm. Quan trọng nhất là không được bế bé lên giữa chừng nếu không muốn phá hỏng mọi nỗ lực trước đó.
Phương pháp loại bỏ từ từ
Nếu cha mẹ không muốn ngay lập tức rời khỏi con có thể thực hiện cách này. Ngồi ở ghế cạnh giường ngủ của bé và đợi đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Làm như vậy trong hai đêm. Đêm tiếp theo kéo ghế ra xa giường của bé. Cứ như vậy kéo ghế xa dần ra đến cửa. Sau khoảng 10 ngày đến 2 tuần, bé đã có thể tự ngủ được.
Phương pháp đánh thức theo giờ
Phương pháp này làm ngược lại: đánh thức trẻ tại những thời điểm cố định trong đêm. Trong khoảng một tuần cha mẹ hãy quan sát và ghi chép những thời điểm trẻ hay tỉnh giấc tự nhiên. Sau khi đã rút ra được quy luật từ bé, hãy đánh thức bé dậy 15 phút trước mỗi lần bé tỉnh giấc tự nhiên. Dần dần bé sẽ tỉnh giấc theo lịch mới. Khoảng 1 tuần sau, lại cắt bớt dần số lần đánh thức bé theo lịch mới này, cho đến khi bé có thể ngủ được cả đêm.
Điều gì không giúp ích việc ngủ của bé?
Mỗi thời điểm khác nhau thì có các phương pháp khác nhau. Tuy vậy đừng mất công với một số cách sau:
- Cho trẻ (còn quá nhỏ) ăn thức ăn dạng rắn mỗi lúc bé thức giấc nửa đêm vì nghĩ rằng bé đói.Không có nghiên cứu nào như thế cả. Và chỉ càng làm cho bé quen thức dậy để ăn.
- Hạn chế trẻ bú ban ngày. Đừng làm thế. Trẻ có thể sẽ trở nên mệt, gây ra khó ngủ và dễ tỉnh giấc.
- Cho trẻ đi ngủ muộn hơn. Cũng giống như việc hạn chế trẻ bú ngày, bé sẽ mệt và khó ngủ hơn, đồng thời lại dễ tỉnh giấc.
Phương pháp nào tốt nhất?
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các phương pháp trên đều có tác dụng. Tuy nhiên không đủ thông tin để khuyến cáo một phương pháp nào toàn diện nhất. Quyết định còn phụ thuộc vào việc bản thân cha mẹ thấy con mình thích hợp với phương pháp nào.
Lời khuyên bổ ích
- Cho bé đi ngủ đúng giờ và duy trì thói quen này.
- Tránh kích thích bé trước giờ đi ngủ
- Tránh cho bé ngủ ngày nhiều
- Tránh dùng thức ăn gây kích thích trước khi đi ngủ
- Để bé ngủ khi bạn không có mặt tại phòng
- Giữ cho phòng ngủ không quá nóng, quá lạnh
- Tránh gây ồn ào.
Một số điều cần lưu ý
0 - 6 tuần tuổi
- Chắc chắn là bé được bú đủ sữa, nhất là vào ban ngày.
- Tạo nên sự khác biệt giữa lúc thức và lúc ngủ
- Tạo nên sự khác biệt giữa ngày và đêm.
6 tuần – 4 tháng
- Khuyến khích bé ngủ không cần sự dỗ dành như cho bú bình hoặc bế ru.
- Thiết lập thói quen ngủ đúng giờ.
4 – 6 tháng
- Cố tránh lịch sinh hoạt ban ngày
- Tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều
6 – 12 tháng
- Thông thường ở độ tuổi này bé không cần ăn đêm nữa.

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Tập cho bé sơ sinh ngủ ngoan


BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ
Trẻ sơ sinh ngủ như thế nào?
Trẻ mới sinh đến 1 tháng tuổi (trẻ sơ sinh) gần như ngủ suốt ngày đêm, chỉ thức dậy để bú (khoảng 2 đến 3 giờ bú một lần). Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể tích dạ dày nhỏ nên mau đói, vì vậy phải thức dậy sau vài giờ để bú . Trẻ sơ sinh cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên có những bé sẽ ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ ngủ tổng cộng khoảng 8 đến 9 giờ vào ban ngày và khoảng 8 giờ vào ban đêm. Hầu hết trẻ nhỏ sẽ bắt đầu ngủ suốt đêm (6 đến 8 giờ) không thức giấc khi được 3 tháng tuổi hay khi được khoảng 6 ký. Thông thường, không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú nhưng cũng không nên để bé  ngủ quá 3 giờ mà không cho bú. Các trường hợp đặc biệt như non tháng, nhẹ cân, trào ngược dạ dày thực quản…có thể phải cho bú thường xuyên hơn. 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Các giai đoạn của một giấc ngủ
Cũng giống như người lớn, giấc ngủ của trẻ nhỏ cũng chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Tùy từng giai đoạn mà trẻ có thể nằm yên hay vẫn có những cử động. Có 2 loại giấc ngủ: 
  • Giấc ngủ nhanh (REM - rapid eye movement : cử động mắt nhanh)
    Đây là giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt sẽ cử động nhanh theo chiều trước sau. Mặc dù trẻ nhỏ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhưng khoảng phân nửa thời gian là giấc ngủ REM. Tức là bé chỉ ngủ sâu khoảng 8 giờ. Trẻ lớnvà người lớn ngủ ít hơn nhưng ngủ REM cũng ít hơn.
  •  
  • Giấc ngủ chậm (Non-REM - Non- rapid eye movement: không cử động mắt nhanh):
        Có 4 giai đoạn: 
    •    
    • Giai đoạn 1: buồn ngủ - mí mắt sụp xuống hay có thể chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật.
    •    
    • Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ – trẻ có thể vẫn cử động, giật mình, vặn mình, kêu “è è”
    •    
    • Giai đoạn 3: ngủ sâu – trẻ im lặng và không cử động
    •    
    • Giai đoạn 4: ngủ rất sâu - trẻ im lặng và không cử động 
Giấc ngủ của bé sẽ diễn tiến theo chu kỳ, bắt đầu tuần tự từ giai đoạn 1, sau đó chuyển sang giai đoạn 2, giai  đoạn 3, giai đoạn 4, rồi quay lại giai đoạn 2, rồi chuyển sang ngủ REM. Trong một giấc ngủ có thể có vài chu kỳ ngủ trên. Trong vài tháng đầu, trẻ có thể  thức giấc khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ lơ mơ và có thể khó ngủ trở lại.
Trẻ sơ sinh tỉnh giấc như thế nào?
Trẻ sơ sinh cũng có nhiều kiểu tỉnh giấc khác nhau. Nếu trẻ sơ sinh thức giấc vào cuối của chu kỳ ngủ thì trẻ sẽ bắt đầu giai đoạn tỉnh giấc yên lặng. Trong giai đoạn này, trẻ vẫn yên lặng dù đã tỉnh táo và nhận thức được môi  trường xung quanh. Trong giai đoạn tỉnh giấc yên lặng, trẻ có thể nhìn mọi vật hay nhìn chăm chú vào một vật và đáp ứng với âm thanh và động chạm. Giai đoạn này thường sẽ chuyển sang giai đoạn tỉnh giấc hoạt động. Trong giai đoạn này, trẻ cũng chú ý đến mọi tiếng động và hình ảnh nhưng có cử động. Sau giai đoạn này là giai đoạn khóc. Bé cử động nhiều hơn và có thể khóc lớn. Bé có thể bị tăng kích thích trong giai đoạn khóc này. Bạn phải làm bé dịu đi bằng cách ôm bé sát vào người hay quấn bé trong một cái khăn/mền.
Tốt nhất là bạn cho bé bú trước khi bé bước sang giai đoạn khóc. Trong giai đoạn khóc, bé có thể quá “cáu” (quá  khó chịu) nên không chịu bú. Đối với trẻ sơ sinh, khóc là dấu hiệu cuối cùng của đói bụng, sau khi bé đã làm một số dấu hiệu như tìm vú, đưa tay vào miệng…
Tập thói quen ngủ ngoan cho bé
Ngay từ sáu tuần tuổi, bé đã có  thể học cách ngủ ngoan. Trong độ tuổi này, có vài cách rất hiệu quả để giúp bé ngủ ngon 
  1. Nhận biết dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ
    Trong sáu đến tám tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn hai giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn hai giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và lại trở nên khó ngủ.
Vì vậy, bạn nên nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng  dưới mắt thâm lại. Bạn đừng lo, bạn sẽ mau chóng có giác quan thứ sáu nhận ra con mình đang buồn ngủ. Nếu bạn nhận thấy bé buồn ngủ thì nên đặt bé vào nôi hay giường.
     
  1. Dạy bé phân biệt giữa ngày và đêm
Vài bé sơ sinh có thói quen thức đêm ngay từ trong bụng mẹ. Bạn có thể nhận biết điều này khi nhận thấy bé quẫy  đạp trong bụng mẹ nhiều hơn vào ban đêm. Khi chào đời, bé cũng vẫn duy trì thói quen này và làm mẹ mệt mỏi vì không chịu ngủ khi mẹ đã ríu mắt rồi. Trong vài ngày đầu sau sinh, bạn không thể thay đổi bé ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy bé khi bé đã được hai tuần tuổi.
Ban ngày, khi bé còn thức:
- Chơi với bé càng nhiều càng tốt.
- Nói chuyện và hát cho bé nghe khi cho bú các cữ ban ngày.
- Đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày.
- Không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày, như tiếng tivi, radio, máy giặt…
- Nếu đang bú mà bé thiu thiu ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.
Ban đêm:
- Giữ yên lặng và nói khẽ khi cho bé bú cữ đêm.
- Giữ phòng tối (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu) và yên tĩnh, không trò chuyện  với bé nhiều.
  Cần phải dạy bé nhận biết ban đêm là lúc ngủ ngay từ khi bé được hai tuần tuổi, đừng để quá muộn.
  1. Dạy bé tự ngủ
Khi bé đã được sáu đến tám tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé tự ngủ. Bạn nên đặt bé vào nôi hay xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách bạn dỗ bé ngủ trong tám tuần đầu sau sinh rất quan trọng. Nếu bạn cho bé nằm võng hay nằm nôi lắc, đu đưa bé, bế rung bé khi trong tám tuần đầu thì bé sẽ quen và bé sẽ không thể ngủ  nếu không được rung lắc, đu đưa như vậy. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên đung đưa bé, không cho bé ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ ngay từ sau sinh. Bạn sẽ thiết lập một “thủ tục” trước khi ngủ cho bé như hát ru, nghe nhạc nhẹ, vỗ nhẹ mông, gãi nhẹ đầu… nhưng cần nhớ rằng bạn sẽ phải làm “thủ tục” này mỗi đêm nên bạn cần chọn “thủ tục” nào vừa thích hợp với bé vừa “khả thi” đối với  bạn. Bạn có thể bế bé đến khi bé thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống vì sẽ tạo nên thói quen xấu là phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.
Bé sơ sinh giống  như tờ giấy trắng, bé sẽ là một em bé ngoan ngoãn, dễ ngủ nếu bạn không bỏ lỡ thời gian có thể dạy bé thói quen ngủ ngoan. Giấc ngủ của bé không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của bản thân bé mà còn quan trọng với mẹ. Nếu bé quấy đêm nhiều quá thì bạn cũng sẽ thiếu ngủ và không đủ sức khỏe cũng như tinh thần để chăm sóc bé tốt được. Hãy khôn ngoan lựa chọn cách dỗ bé ngủ thích hợp để cả con và mẹ đều được ngủ ngon.