Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

10 đồ chơi tiết kiệm cho bé

Ngày nay, các loại đồ chơi bán sẵn cho bé la liệt trên thị trường. Nếu còn lo ngại về giá thành và tính an toàn của chúng, bạn có têể tận dụng đồ vật trong nhà làm đồ chơi cho con.

Dưới đây là danh sách 10 loại đồ chơi dễ kiếm lại rẻ tiền từ Babycaredaily mà phần lớn các bé đều háo hức:

1. Giấy

Hãy cho bé của bạn một tờ giấy, bé sẽ vui vẻ cầm tờ giấy vẫy vẫy, cười rồi vô “bốp bốp” vào tay. Có khi, cố gắng để xé tờ giấy làm hàng chục mảnh nhỏ xíu cũng là thú vui của bé. Các hoạt động này còn luyện cho bé đôi tay khéo léo và trở nên quen thuộc với những đồ vật hàng ngày. Tất nhiên, bé chưa đủ tài năng để xé giấy có hình thù nhất định nhưng giấy thực sự là món đồ chơi thú vị với bé. Có điều, bạn cần tránh cho bé chơi với báo vì các hóa chất trong mực in có thể độc hại.



2. Bát bằng thép không rỉ (inox)

Có nhiều điều vui vẻ từ những chiếc bát (cốc) không rỉ. Thứ nhất, chúng sáng bóng và bé như thể soi gương được. Thứ hai, chúng tạo ra âm thanh khi đập xuống sàn nhà. Tất cả những cái đó đều lôi cuốn bé.

3. Bàn phím máy tính

Nếu có bàn phím cũ, bạn có thể cọ sạch nó để làm đồ chơi cho con. Bé rất thích đập bàn tay vào phím và lắng nghe âm thanh vừa được tạo ra. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra những phần lỏng lẻo trên bàn phím cũ để đảm bảo an toàn khi giao nó cho bé.

4. Piano

Nếu con bạn thích đập bàn phím máy tính thì ắt hẳn, bé chẳng từ chối vui chơi với piano đồ chơi. Nếu nhà bạn có một chiếc piano thật thì 5 tháng tuổi, bé rất vui mừng được đặt lên ghế (có mẹ hỗ trợ) và được “chơi” nhạc tự do theo cách bé thích. Lợi ích của điều này thật tuyệt vời vì cho phép bé thực hành kỹ năng phối hợp tay – mắt, học về nguyên nhân – kết quả (bé hiểu được bằng cách nhấn bàn phím, âm thanh sẽ tạo ra) và trên tất cả, thính giác của bé phát triển tốt.

5. Bóng

Bóng bằng nhựa, cao su hay bóng bàn, bóng tennis (không quá nhỏ để bé có thể nuốt) là đồ chơi hấp dẫn với bé. Trong đó bóng nhựa và bóng cao su là tốt nhất vì chúng không nguy hiểm khi bé nhai. Một quả bóng tennis sạch cũng phù hợp vì bé có thể thích thú khám phá lớp lông tơ mịn trên quả bóng. Khoảng 6 tháng tuổi, hãy dạy bé chơi lăn – bắt bóng với bạn (mặc dù bé chưa hiểu những gì bạn yêu cầu).

6. Điều khiển tivi

Xem tivi là hoạt động thụ động và không lý tưởng cho sự phát triên của bé nhưng điều khiển tivi là một trò chơi hữu ích. Bé yêu thích được nhấn bất kỳ nút nào bé nhìn thấy. Khi bạn dạy bé nhấn nút màu đỏ để bật tivi thì trò chơi, ngoài niềm vui còn mang ý nghĩa giáo dục – bé hiểu được mối quan hệ giữa nỗ lực của mình và màn hình tivi xuất hiện.

7. Chai nhựa rỗng

Chai càng nhỏ thì càng dễ cho bé chơi. Cha mẹ có thể tạo ra nhiều niềm vui cho con như lăn chai rỗng qua – lại, xoay tròn… Ngoài ra, những chai dầu gội đầu rỗng, sạch cũng là đồ chơi tốt cho bé.

8. Lõi cuộn giấy vệ sinh

Lõi của cuộn giấy vệ sinh đã dùng hết là đồ chơi đơn giản cho bé. Đó là những ống hình trụ mà bé dễ dàng thò tay vào chơi. Lõi giấy lại cứng nên bé không thể làm hỏng chúng trong vòng 5 phút, có thể đập vào các đồ vật khác mà không gây hại.

9. Đồng hồ

Mặt đồng hồ, kèm theo âm nhạc, chuyển động của kim giây là đối tượng hấp dẫn cho các bé. Chỉ cho bé thấy đồng hồ hay đung đưa đồng hồ để bàn qua – lại trước mặt cũng khiến bé bị thu hút.

10. Cha mẹ

Bạn có tin không, cha mẹ chính là đồ chơi tuyệt vời với bé? Chuyển động đôi tay, đôi chân, giọng nói, điệu bộ trên khuôn mặt… của bạn thực sự là khám phá bất tận dành cho con. Bạn có thể bò xung quanh, vỗ tay vào đầu gối của mình, chơi ú – òa, nhảy và hát… đảm bảo bé sẽ cười khúc khích.

Phương Thảo

9 cách củng cố trí thông minh

Muốn kích thích trí thông minh cho bé, bạn nên cho bé nghe nhạc ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Một số chuyên gia cho rằng, em bé phản ứng tốt với âm nhạc khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ. Nghe nhạc kích thích sớm tế bào thần kinh trong não bé.

8 gợi ý khác giúp phát triển trí não cho bé ngay từ sớm:

2. Vuốt ve, âu yếm là tương tác quan trọng với bé. Cảm giác được mẹ vuốt ve mang tới sự an toàn và giúp bé phát triển trí tuệ cảm xúc. Ngược lại, khi bé cảm thấy không được an toàn, khả năng học hỏi của bé cũng giảm sút.


3. Cung cấp cho bé dinh dưỡng tốt. Ngay từ giai đoạn mới mang thai, người mẹ hãy thận trọng trong chế độ ăn uống của mình. Các axit béo và DHA trong thức ăn của mẹ rất quan trọng để phát triển não cho bào thai. Chế độ ăn uống của chúng ta nhìn chung không phong phú DHA. Do đó, người mẹ nên năng uống sữa hoặc sử dụng DHA dưới dạng bổ sung.

DHA có thể tìm thấy trong các loại cá giàu chất béo như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá thu. Viên nang bổ sung Omge3 cũng có sẵn trên thị trường nhưng bạn cần sử dụng theo quy định của bác sĩ.

4. Thiết lập mối quan hệ gần gũi, yêu thương và tình cảm với con bạn. Một cấu trúc trong não điều chỉnh cảm xúc có dạng quả hạnh nhân. Khi em bé cảm thấy bị đe dọa, cấu trúc này sẽ có phản ứng tự vệ, “đóng cửa” các bộ phận tư duy của não.

5. Cho bé nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Cách dạy bé tốt nhất là để bé được tham gia. Bé sẽ biết tư duy ngay cả khi đá bóng, làm vườn, phân loại rau củ trong siêu thị...

6. Hãy để bé thao tác với nhiều loại đồ chơi trước sự giám sát của người lớn. Đồ chơi giúp bé phát triển sáng tạo, kích thích não tư duy hiệu quả.

7. Hạn chế truyền hình và video game. Tivi và video game quá nhiều khiến bé ì. Khi ấy, bé không còn háo hức khám phá thiên nhiên hay những trải nghiệm trong thế giới thực.

8. Không phải đồ chơi cầu kỳ, đắt tiền là tốt cho não. Nghiên cứu của Lisa Oake (giáo sư tâm lý học) chỉ ra rằng các bé quan tâm nhiều hơn đến hành động của một món đồ chơi chứ không phải kết quả mà nó tạo ra. Như vậy, chơi cùng con với những đồ chơi bình thường cũng có lợi hơn vì qua đó, bé học hỏi thao tác chơi từ bố mẹ.

9. Hãy ca ngợi cách tìm tòi, sáng tạo của bé nhà bạn, chứ không phải liên tục khen bé thông minh. Nếu bạn chỉ khen con thông minh thì bé sẽ không biết bản thân bé thông minh ở điểm nào.

Ngọc Huê

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Chơi với con sẽ giúp trẻ tăng IQ

Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày và nhiều hơn thế để chơi cùng con, chơi thực sự hứng thú, say sưa. Nhờ đó, bạn có thể giúp trẻ tăng chỉ số IQ đến 10 điểm.
Bạn sẽ học được rất nhiều thứ về đứa con cũng như về chính bản thân khi chơi cùng trẻ. Khoảng thời gian đó đem lại cho bé thông điệp: “Mẹ luôn sẵn sàng dành thời gian cho con vì con là người mẹ vô cùng yêu quý”. Ai cũng biết chơi là hoạt động chủ đạo ở tuổi mầm non, trẻ em học qua trò chơi, nhưng không phải ai cũng biết cách chơi cùng để giúp trẻ phát triển trí tuệ.
Học cách chơi với con
Bạn luôn cảm thấy thiếu thời gian để chơi với trẻ nhưng lại sẵn sàng ngồi hàng giờ trước TV? Bạn nghĩ mình đang lãng phí thời gian nếu ngồi chơi xếp hình với con trong khi lẽ ra có thể làm được nhiều việc khác? Thực ra chơi cùng con là cách đầu tư tốt nhất cho sự phát triển trí tuệ trẻ.
Thời gian cha mẹ dành để chơi cùng con tỷ lệ thuận với sự phát triển trí tuệ. Khi đó, bạn sẽ giúp bé cải thiện hành vi nhờ đạt thành tích và cảm nhận được tầm quan trọng của bản thân. Đó là cách tốt nhất hình thành sự tự tin.
Bạn không cần chơi với con suốt cả ngày và con bạn cũng không muốn chơi với bố mẹ nhiều thế đâu. Tuy nhiên, bạn càng sớm thể hiện cho bé biết mình thích thú khi chơi với bé bao nhiêu thì bé cũng sẽ thích thú chơi cùng bạn bấy nhiêu khi lớn dần lên.
Chơi với con có ích cho cả bố mẹ
Đó là khoảng thời gian bạn tách mình ra khỏi những toan tính công việc, những lo âu, stress… và chỉ dành sự chú ý cho một thiên thần bé bỏng - người có thể dạy cho bạn cách thư giãn, cảm nhận tình yêu thương... Thông qua các trò chơi, bạn hiểu được tính cách của con mình và khả năng của trẻ trong mỗi giai đoạn.
Trẻ thường bộc lộ rõ hơn bản thân cho cha mẹ thấy qua các trò chơi. Thông qua việc chơi cùng nhau, mối quan hệ của cha mẹ và con cái ngày càng được thắt chặt hơn. Thời gian chơi với con giúp cha mẹ đặt mình vào vị trí của trẻ, hiểu được cái nhìn và cách suy nghĩ của trẻ.
Hãy để trẻ khởi xướng
Một nguyên tắc tối quan trọng mà các bậc cha mẹ cần ghi nhớ là: Bất kỳ hoạt động nào do bé khởi xướng cũng sẽ thu hút bé lâu hơn so với hoạt động do người lớn gợi ý. Khi bé chọn chơi gì thì bé sẽ học được nhiều điều hơn từ trò chơi ấy. Các trò chơi do bé khởi xướng cũng góp phần nâng cao giá trị bản thân cho bé.
Có thể bạn sẽ than thầm: "Ôi không, lại là trò xếp hình cũ rích” hoặc “chúng ta đã đọc chuyện con mèo trong chiếc mũ mấy chục lần rồi”. Đó chính là thử thách của việc làm cha mẹ. Bạn sẽ cảm thấy chán câu chuyện đó từ rất lâu trước khi con bạn chán. Đó là vì người lớn quá chú trọng vào kết quả, vào tính mục đích. Còn bé tập trung vào chi tiết nên luôn phát hiện ra nhiều điều mới lạ qua mỗi lần chơi, cảm thấy hứng thú với chính quá trình chơi mà ít quan tâm đến kết quả. Trí tuệ phát triển từ chính những khám phá mới qua mỗi lần chơi, từ sự tương tác với người cùng chơi, từ hứng thú với chính quá trình chơi.
Bạn có thể dựa theo sở thích của chính trẻ để gợi ý tổ chức lại cách chơi ngầm đưa ra những tình huống, lồng vào đó những nhiệm vụ để trẻ tập trung chú ý, học cách quan sát, ghi nhớ, suy nghĩ, lý giải…, nhờ đó kích hoạt tư duy sáng tạo. Chẳng hạn, nếu trẻ thích vẽ, thay vì để trẻ tự vẽ, tô màu tuỳ hứng, bạn vẽ cho trẻ một cái thân và cái đầu con sâu, sau đó yêu cầu bé thêm các chi tiết thành con sâu có 5 mắt, 5 chân, trên mình có các chấm tròn màu vàng... rồi cùng bé thảo luận về những đặc điểm của con sâu kỳ lạ đó.
Nếu bạn muốn trẻ chơi một trò khác thì tốt nhất không nên nói "thôi không chơi trò này nữa" mà tìm cách thay đổi như thể trò chơi cũ vẫn đang tiếp tục. Ví dụ, bạn có thể dừng câu chuyện đang đọc lại và hỏi: “Con sẽ làm gì nếu chú mèo này ra khỏi mũ và đi ra ngoài chơi?” hoặc “Chúng ta hãy cùng nhau nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu…?”.
Giúp con bạn cảm thấy bé thật đặc biệt
Trong quá trình chơi với con, hãy dành sự chú ý của mình vào bé. Nếu bạn ngồi chơi với con mà tâm trí còn mải lo lắng đến công việc thì bé sẽ cảm nhận được và sẽ không có ai thu được lợi ích từ trò chơi cả. Điều tệ hơn là bé sẽ không nhận ra giá trị của việc bạn dành thời gian cho mình và đi tới kết luận là "con không quan trọng đối với mẹ”.
Hãy làm cho bé cảm nhận mình là người thật đặc biệt vì được bạn chơi cùng. Bé được chơi theo ý tưởng và cách chơi của mình nhưng dưới sự tổ chức, định hướng của người lớn.