Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Thời gian bảo quản sữa mẹ


Việc bảo quản sữa phải tuân theo những nguyên tắc an toàn nhất định để đảm bảo an toàn cho bé yêu.
Nhiệt độ phòng: Bạn có thể để sữa mẹ ở nhiệt độ phòng trong vòng vài giờ.
Giữ lạnh: Bạn cũng có thể để sữa trong hộp lạnh và túi giữ lạnh khoảng 24 giờ trở lại.

 
Ảnh: GettyImages

Để trong ngăn mát tủ lạnh ở điều kiện 4ºC: Nếu bạn để sữa mẹ trong tủ lạnh thì thời gian có thể lên tới từ 3 - 5 ngày.
Ngăn đá của tủ lạnh: Nếu bạn dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá của tủ lạnh thì thời gian bảo quản có thể lên tới trên 3 tháng.
Lưu ý: Dù bảo quản sữa mẹ trong điều kiện nhiệt độ như thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần phải bịt kịt miệng bình đựng sữa để hạn chế đến mức tối đa sự xâm nhập của các loại vi khuẩn. Bình đựng sữa nên được khử trùng an toàn trước khi dùng để đựng sữa cho trẻ.
Nếu sữa mẹ được dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh, để rã đông bạn không nên dùng lò vi sóng mà thay vào đó bạn hãy lấy một bát nước ấm và ngâm bình sữa vào trong đó trong vòng khoảng 20 phút. Và khi sữa đã tan ra bạn nên lắc đều sữa trước khi cho bé bú để lớp chất béo trong sữa không bị đóng màng.
 Theo Dân trí (AC)

Vắt sữa mẹ, sử dụng và bảo quản

Một số trường hợp bé không thể bú mẹ (mẹ bị bệnh, mẹ phải đi làm xa không ở nhà cùng bé, sinh non, bé sứt môi, hở hàm ếch), người mẹ vẫn có thể vắt sữa của mình cho bé dùng.


Sử dụng sữa vắt

Sữa mẹ là một món quà đặc biệt, là thức ăn tốt nhất cho bé sơ sinh và nhũ nhi. Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là cách nuôi con tốt nhất.
- Nên chọn bình hay cốc có nắp đậy kín.
- Để đảm bảo vệ sinh, cần rửa sạch bình bằng xà phòng và nước sạch, sau đó mang đi hấp trong nước sôi khoảng 10 phút.
- Cho sữa đã vắt vào bình, đậy kín nắp, luộc sôi trong 10 phút. 
- Làm nguội sữa và cho bé uống. Nếu muốn giữ lại (cho bé dùng sau) thì ghi ngày giờ lấy sữa. - Chỉ nên bảo quản khoảng 60-120ml sữa trong một bình (vì lượng này đủ cho bé uống một lần, tránh lãng phí).





Thời gian bảo quản
- Nếu trời mát (khoảng 26ºC) có thể bảo quản trong 8h, trời nóng hơn chỉ để được trong 1-2 giờ mà thôi.
- Nếu để trong tủ lạnh (nhiệt độ từ 0-4ºC) có thể giữ sữa được 1 ngày.

Dụng cụ dùng sữa
Có thể cho bé uống sữa bằng cốc, thìa, bình (tùy theo sở thích của bé hoặc thói quen của mẹ). Tuy nhiên, phụ huynh nên chú ý tránh nguy cơ sặc sữa cho bé.


Cách cho bé uống sữa bằng cốc (ly)
- Hấp sữa trong nước sôi khoảng 10 phút, làm nguội. Chỉ nên lấy sữa khoảng một nửa cốc.
- Giữ bé ở tư thế nửa ngồi, nửa nằm (nghiêng 45º), dùng tay đỡ cả cổ, vai và lưng bé.
- Đặt cốc nhẹ trên môi dưới của bé và mép cốc chạm nhẹ phần ngoài môi trên của bé. Mức sữa ngang bằng môi trên của bé. Tránh đổ sữa vào miệng bé, giữ miệng cốc trên môi bé để bé tự mút sữa trong cốc.
- Khi bé đã uống đủ sữa, bé sẽ mím môi và không chịu ăn thêm nữa. Bế vác bé trên vai, xoa lưng để hơi từ dạ dày thoát ra.
Nên biết rằng bú mẹ là cách tốt nhất, chỉ nghĩ đến giải pháp này như lựa chọn thứ 2.
DS. Nguyễn Thị Bích Nga (BV Nhi Đồng 1)

4 lưu ý khi bảo quản sữa mẹ


Những trường hợp như mẹ phải đi làm xa, sữa mẹ xuống không đều (lúc nhiều – lúc ít)… người mẹ có thể chọn cách vắt và bảo quản sữa mẹ.
Để dự trữ sữa mẹ theo cách hợp lý, bạn có thể tham khảo vài gợi ý dưới đây:
1. Thời gian bảo quản

Sữa mẹ sau khi đã được vắt ra có thể dự trữ ở nhiệt độ mát trong phòng (khoảng 26-28ºC) là 6h; nhiệt độ thấp hơn là 8-10h. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, việc bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ trong phòng không nên kéo dài quá 4h; trời nóng là dưới 1h; dưới 20ºC không nên quá 2h.
Nguyên nhân là vì sữa mẹ khác nhau từ người mẹ này với người mẹ khác, nhiệt độ phòng cũng khác nhau tùy lúc vắt sữa nên việc xác định thời gian bảo quản cũng phải linh hoạt.


2. Số lượng sữa vắt trong một lần


Với bé dưới 6 tháng tuổi, bạn nên vắt sữa với số lượng nhỏ mỗi lần (khoảng 100-150ml) là đủ cho bé dùng. Với bé lớn hơn (hoặc do mẹ phải đi làm cả ngày), số lượng sữa vắt phụ thuộc vào nhu cầu của bé nhưng cũng không nên lạm dụng (khi đi làm về, mẹ có thể cho con bú).

3. Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Nếu bạn không có dự định cho bé dùng sữa ngay sau khi vắt thì nên dự trữ sữa mẹ trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, sữa mẹ có thể giữ được trong 1-3 ngày.Dự trữ sữa mẹ trong ngăn đá: Thời gian tối đa có thể lên tới 3 tháng (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng – mở cửa tủ) và 6 tháng nếu ở trong máy ướp lạnh. Không nên bảo quản sữa mẹ ở cánh cửa ngăn đá vì nhiệt độ ở đó thường không chính xác. 

Khi muốn đưa sữa lên ngăn đá, bạn nên đặt sữa trong ngăn mát trước rồi chuyển lên ngăn đá. Tương tự, khi muốn rã đông, nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát khoảng ½-1 ngày trước khi mang sữa ra bên ngoài. Tuy nhiên, bạn không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho bé dùng sớm nhất có thể.

4. Sử dụng bình trữ sữa

Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì, các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ hai là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn loại bình dành riêng để trữ sữa.Nếu muốn sử dụng túi đựng sữa, cha mẹ nên lưu ý: - Thứ nhất, sữa có khả năng dính vào hai bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa.

- Thứ hai, sữa được đựng trong túi thường có nguy cơ bị rò rỉ nhiều hơn. Một số hãng sản xuất ra những chiếc túi đựng sữa chất lượng tốt nhưng giá thành lại khá đắt. Để tiết kiệm, bạn có thể mua 2 loại túi: một loại dùng trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh; loại đắt hơn dùng đựng sữa trong ngăn đá. Điều này sẽ giảm thiểu những vết rách nhỏ xuất hiện trên bề mặt túi.
Sữa bảo quản trong tủ lạnh thường có lớp váng nổi trên bề mặt nhưng bên dưới, sữa nhìn trong như nước. Để sử dụng, bạn nên lắc đều bình sữa, hấp cách thủy rồi chờ sữa ấm là cho bé ăn được. Nếu sữa mẹ được bảo quản ở nhiệt độ trong phòng thì trước khi cho bé bú, bạn có thể ngâm bình sữa vào một bát nước ấm (không cần hấp cách thủy). 
Nếu sữa trong bình (túi) có màu trắng đục như đám mây sau khi rã đông thì có khả năng sữa đã bị rò. Không nên cho bé ăn sữa này vì nó không đảm bảo chất lượng.

Ngọc Huê (Theo Ivillages)

Làm tan, hâm ấm sữa mẹ đông lạnh


Sữa mẹ sau khi đông lạnh có thể được dự trữ đến 3 tháng trong ngăn đá tủ lạnh và 6 tháng trong tủ đá chuyên dụng (0°F hoặc –17.8°C). Ngay khi được làm tan đá, sữa mẹ có thể để trong ngăn mát tủ lạnh đến 24 giờ đồng hồ.
Cách làm tan sữa mẹ đông lạnh


Bạn có thể làm tan sữa mẹ đông lạnh trong bát nước ấm trong vòng từ 5 đến 10 phút. Hoặc có thể làm tan sữa mẹ từ 8 đến 12 giờ trước đó bằng cách để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh nhưng phải sử dụng trong vòng 24 giờ sau đó.
Bạn không nên làm tan đá sữa mẹ bằng cách đặt sữa trên mặt bàn ở nhiệt độ trong phòng. Tránh hâm ấm sữa mẹ trong lò vi sóng. Điều này làm thay đổi thành phần sữa mẹ và giảm chất lượng sữa. Lò vi sóng còn làm sữa nóng không đều và có thể khiến bé bị bỏng miệng. Ngoài ra, bạn không nên đông lạnh lại sữa đã tan đá.

Hâm ấm sữa mẹ


Trước tiên, bạn cần lấy sữa mẹ từ ngăn đá tủ lạnh ngay trước khi sử dụng. Hâm ấm sữa bằng cách cầm bình (túi) đựng sữa dưới vòi nước máy ấm đang chảy hoặc đặt vào trong bình chứa nước ấm từ 5 đến 10 phút. Xoay bình sữa nhẹ nhàng và kiểm tra độ ấm của sữa bằng cách nhỏ một giọt lên mặt trong của cổ tay mẹ trước khi cho con bú. Sữa thừa trong bình đựng sau khi cho bú có thể được dùng ở lần cho bú kế tiếp trước khi vứt bỏ.
Không nên hâm nóng lại sữa đã được hâm nóng. Sữa mẹ có thể được giữ an toàn ở nhiệt độ trong phòng từ 4 đến 8 giờ đồng hồ. Bạn cũng không nên hâm ấm sữa mẹ bằng cách đặt sữa trên mặt bàn ở nhiệt độ trong phòng. Không nên hâm ấm sữa trong lò vi sóng vì điều này có thể làm thay đổi sữa mẹ và giảm chất dinh dưỡng của sữa.
Tìm hiểu cách vắt và dự trữ sữa mẹ
Bạn có thể dùng cách vắt sữa mẹ bằng tay. Bạn hãy xoa bóp bầu vú, từ từ hướng về núm vú để vắt sữa. Hoặc dùng cách vắt bằng máy (máy vắt dùng tay hoặc dùng điện). Bạn có thể vắt khoảng 10 phút ở từng bầu vú trong mỗi lần vắt.
Bắt đầu: Trước tiên, bạn hãy rửa sạch tay mình bằng xà phòng và nước. Chuẩn bị sẵn bình sạch để đựng sữa. Tìm tư thế thoải mái tại nơi yên tịnh để bắt đầu vắt sữa. Xoa bóp bầu ngực và từ từ hít thở nhẹ nhàng.
Dự trữ sữa mẹ: Bạn có thể sử dụng chai nhựa hoặc túi dự trữ chuyên dùng để đựng sữa mẹ. Không nên sử dụng những túi dùng một lần vì chúng rất mỏng. Bạn nên dự trữ sữa mẹ thành từng phần 56-141 ml để tránh lãng phí sữa mẹ.
Sữa mẹ từ những lần vắt khác nhau có thể được đựng chung nếu sữa được vắt trong 24 giờ cùng ngày. Sữa mẹ phải được để lạnh càng sớm càng tốt sau khi vắt xong. Nếu sữa đã vắt có đổi màu và độ sệt khác nhau thì cũng là điều bình thường. Sữa được dự trữ sẽ đóng theo từng lớp. Do đó, bạn sẽ thấy có váng sữa, trông giống lớp kem sẽ nổi lên trên mặt sữa khi nó được làm ấm. Bạn hãy trộn đều các lớp sữa trước khi cho con bú.
Bạn có thể sử dụng sữa vừa mới được vắt trước tiên. Sau đó sử dụng sữa đã để lạnh hoặc ướp lạnh theo ngày nào cũ hơn. Nếu sữa mẹ có vị chua hoặc mùi lạ, bạn nên bỏ đi. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, bạn không nên sử dụng sữa này.
Hạn dùng: Nếu bạn đã rửa tay sạch trước khi vắt, thì sữa mẹ có thể để ở nhiệt độ trong phòng (không quá 25°C) từ 4 đến 8 giờ đồng hồ. Nếu bạn không sử dụng sữa ngay, thì nên dự trữ sữa này trong tủ lạnh càng sớm càng tốt. Hoặc nếu nhiệt độ phòng cao hơn 25ºC, bạn cũng nên cất sữa trong tủ lạnh ngay. Sữa có thể bảo quản trong tủ lạnh (0-3,9ºC) trong 5-7 ngày.

Phương Thảo (Theo Healthin)

Lợi ích khi cho bé bú nhanh


Bú mẹ lâu sẽ làm hỏng sữa mẹ khiến bé chậm tăng cân còn bú bình lâu sẽ gây hại lên răng, lợi và phát âm của bé.

Nguy cơ khi bú bình lâu

Việc kéo dài quá lâu thời gian bú bình của trẻ có thể gây nên các bệnh về răng miệng, trục trặc trong phát âm, chưa kể đến việc sẽ bỏ bình khó khăn - các bác sĩ nha khoa cho biết.


"Bé sẽ sử dụng nhiều cơ khác nhau trong miệng khi sử dụng cốc, so với một cái bình. Nó sẽ giúp phát triển khả năng phát âm" - Tiến sĩ Jennifer Kaplan (một bác sĩ nha khoa ở thủ đô Washington, Mỹ) nói.
Mặc dù việc cho trẻ bú mẹ đến 12 tháng tuổi là tiêu chuẩn vàng trong dinh dưỡng, song các bác sĩ khuyến cáo nên cho trẻ tập nhấm nháp dần bằng cốc nhỏ từ giữa 6-12 tháng và có thể chuyển tiếp sang uống bằng một cái cốc thông thường.
Tuy nhiên, điều các bác sĩ lo ngại hơn nữa là việc dùng bình bú có thể thúc đẩy phát sinh các nhiễm khuẩn nguy hiểm trong miệng.
Tiến sĩ Miriam Labbok, giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh ở Đại học North Carolina, chỉ ra rằng khi dùng bình, trẻ thường ngậm đầu vú giả và giữ sữa ở trong miệng lâu hơn, khiến cho đường có đủ thời gian để làm hỏng răng và lợi. Việc mút vú giả, theo thời gian, sẽ khiến cho vị trí của răng bị chuyển dịch trong lợi.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên cho trẻ bỏ bú bình sớm, khoảng 1 tuổi, vì trẻ dễ gắn bó với nó. Một đứa trẻ càng gắn bó với cái bình lâu sẽ càng khó bỏ hơn.

 
Lợi ích khi bú mẹ

Trẻ bú cả hai bầu vú trong mỗi lần ăn sẽ nhận được nhiều sữa hơn trẻ chỉ bú một bên và việc bú trong thời gian ngắn sẽ giúp trẻ tăng cân tốt hơn...

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc để bé ăn theo sở thích sẽ phá hủy hệ thống tạo sữa của bà mẹ. Quá trình tạo sữa cần đến một lượng nhất định hormone oxytocin để kích hoạt "phản xạ suy giảm", khiến cho sữa đi từ các tế bào mô ngực qua các ống dẫn để tới đầu ti. Nhưng khi em bé ngậm một bầu vú quá lâu, sự sản xuất oxytocin bị ngừng lại.

Và nếu em bé không bú bên ngực thứ hai, cũng đang đầy sữa, thì một protein sẽ được tạo ra để ngừng việc tiết sữa thêm nữa, và phá vỡ quá trình tạo sữa trong nhiều giờ, có lẽ là nhiều ngày.
Tuynhiên, Hilary English, một chuyên gia về việc nuôi con bằng sữa mẹ của tổ chức National Childbirth Trust, cho biết có thể việc giới hạn 10 phút cho mỗi bên sẽ làm giảm việc tiết sữa và trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. "Nói chung, trẻ ăn theo sở thích là tốt nhất. Một đứa trẻ sẽ biết nó cần bao nhiêu".

Nhưng nghiên cứu mới trên 63 bà mẹ tại Bradford đã tìm thấy việc cho bú bên trung bình khoảng 10 phút sẽ làm trẻ tăng cân tốt hơn và tốc độ về sữa mạnh hơn.
Nhóm đã thực hiện một nghiên cứu trên 63 bà mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn. Một nửa được yêu cầu cho ăn khi trẻ muốn và bao lâu mà chúng thích, và chỉ cho bé ăn ở bên ngực còn lại khi trẻ có biểu hiện vẫn còn đói.
Nhóm còn lại được yêu cầu cho bé ăn ở mỗi bên ngực tối đa 10 phút, và lặp lại khoảng 3 tiếng mỗi ngày, nếu cần thiết thì cả ban đêm. Nhóm này cũng được yêu cầu để khoảng cách giữa các bữa ăn cách nhau ít nhất 2 tiếng.
Kết quả là, sau 12 tuần, chưa đầy một nửa trong nhóm cho trẻ ăn theo sở thích vẫn còn bú mẹ, so với hơn 3/4 ở nhóm còn lại.
Ngoài ra, ở nhóm trẻ đầu tiên, cả hai yếu tố (thích ăn lúc nào tùy thích và bú bên đầu tiên bao lâu tùy thích) cũng đều liên quan đến tình trạng nhẹ cân ở 6-8 tuần đầu đời.


Theo VnExpress

Cách bé cho và nhận yêu thương


Từ tháng thứ 2, bé đã biết bày tỏ sự sở hữu và tình yêu thương của bé dành cho bạn.
Bé “cho” bạn tình yêu như thế nào?



Đối với bé dưới 1 tuổi, bạn là vũ trụ duy nhất chứa đựng những bí mật và bé muốn sở hữu bạn mọi nơi, mọi chỗ.
2 tháng tuổi - bé biết cười với mẹ. Đây là biểu hiện đầu tiên của sự giao lưu tình cảm giữa bé với mẹ. Rộng hơn là bé đang giao tiếp với xã hội thông qua bạn. Bạn hãy để ý xem, nụ cười của bé rất giống bạn.

4 tháng tuổi - bắt chước theo mẹ. Bé đảo, cuộn lưỡi, cố gắng làm theo hành động của bạn. Bé càng cố gắng bắt chước nếu bạn tỏ ra thích thú. Làm bạn vui là điều mà bé muốn.




 
Ảnh: GettyImages 


7 tháng tuổi - giơ tay để giữ lấy mẹ. Bé sử dụng khả năng vận động để cầm sờ vào đồ chơi. Nhưng thực ra, nếu bạn để ý sẽ thấy bé níu lấy bạn như tìm sự che chở.


8 tháng tuổi - khóc khi bạn giao bé cho người giữ trẻ. Điều đó làm bạn không yên tâm nhưng việc bé khóc chứng tỏ bé thích bạn hơn rất nhiều.

11 tháng tuổi - bé biết gọi “mẹ”. Thật tuyệt vời khi bé gọi bạn với âm thanh ngọng nghịu. Bé thích gọi mẹ hơn bất cứ từ nào khác. Mỗi khi bé đau, gặp chuyện rắc rối với đám đồ chơi… bé đều gọi “mẹ”. Bé tin tưởng bạn có thể giải quyết mọi khó khăn.

12 tháng - biết tặng mẹ những nụ hôn. Vào sinh nhật lần đầu tiên của bé, bạn và những người thương yêu quây quần bên bé. Bé lúc nào cũng sẵn sàng "ban tặng" những nụ hôn nhưng chắc chắn bé sẽ muốn được tặng bạn nhiều nụ hôn nhất...

Đón nhận tình yêu của bé

Hầu hết các bà mẹ đều không để ý đến các biểu hiện yêu thương của bé dành cho mình nên vô tình bỏ qua cơ hội đáng quý đó. Bạn cần để ý và đáp lại tình yêu thương ấy bằng việc mỉm cười khi bé nhìn bạn, nâng niu bàn tay bé hay giữ chặt tay bé mỗi khi có tiếng động lạ, thì thầm vào tay bé những lời yêu thương…Bé có nền tảng từ tình yêu của bạn sẽ trở thành người dễ đồng cảm và yêu thương đồng loại. Đó là món quà ý nghĩa nhất cho thiên chức làm mẹ của bạn.


Phan Nguyên (theo Parenting)

6 bài tập nhỏ bụng cho phụ nữ mới sinh


(Xinh xinh) - Giờ đây khi bạn đã sinh con, có lẽ bạn vẫn đang phân vân không biết làm cách nào để bụng bé đi. Sang tháng sau, bụng của bạn có thể sẽ bé đi, nhưng da bụng sẽ bị giãn và nhão và đó là lí do bạn cần đến một số bài tập đặc biệt...
Các bài tập bụng này là những bài tập tốt nhất trong việc giúp da bụng của bạn chắc và nhỏ hơn sau khi sinh. Thay vì tập trung vào các bài tập gập mình, bạn nên tập trung vào những bài tập tập cơ ngang, là một nhóm của cơ bụng.


6. Gập cơ bụng.

Để thực hiện bài tập này, bạn cần phải nằm xuống sàn. Gập đầu gối và chân lại chắc chắn trên sàn. Đặt tay xuống phía dưới và bên cạnh rốn. Lấy cả 2 ngón tay từ 2 bàn tay đặt chúng xuống vùng bụng dưới. Dần dần gập cơ dưới của bạn xuống phía sàn nhưng đừng di chuyển vùng xương chậu. Ưỡn ngực cao lên và nín thở. Một khi bạn cảm thấy các cơ chắc lại thì ngừng gập và bắt đầu lại từ đầu.

5. Đá kéo.
Đây là bài tập rất tốt cho những phụ nữ vừa mới sinh! Hãy nằm xuống dưới sàn, đặt tay xuống phần dưới mông và giữ lưng úp vào sàn. Giơ một chân lên và dần dần hạ nó xuống. Trong khi hạ chân này xuống thì lại từ từ giơ chân kia lên. Bạn nên làm lặp đi lặp lại như vậy trong 3 đợt, mỗi đợt 10 lần.

4. Nghiêng xương chậu 
Đây lại là một bài tập khác giúp làm nhỏ eo của bạn. Bạn cũng cần phải nằm lên sàn, thẳng lưng, đặt bàn chân dưới sàn và gập đầu gối lại. Nâng xương chậu bạn lên trong một thời gian ngắn rồi hạ nó xuống.

3. Chống đẩy nâng chân

Nếu bạn cảm thấy muốn làm nhiều bài tập cùng một lúc, thì bài tập này thực sự phù hợp với bạn. Đơn giản, bạn chỉ cần ở đặt tư thế trong phương thức chống đẩy với hai chân giang rộng ra. Giơ một chân cao hết mức có thể và rồi làm động tác chống đẩy như bình thường. Đổi chân và lặp lại. 

2. Chống đẩy với bàn

Nó rất đơn giản. Bạn chỉ cần dứng thẳng như bình thường, dặt hai tay lên một cái bàn chắc chắn và rồi hạ thấp người xuống bằng cách chống hai tay rồi lặp lại.



1. Quay tay

Đứng thẳng lên với hai tay giơ sang ngang, giữ đầu gối thẳng và các cơ linh hoạt trong khi tay quay lên phía trước.
allwomenstalk.com

Ăn cháo dễ sinh

10 lý do bạn nên chơi với con thật nhiều - Phần cuối

Mấy năm đầu đời, con xem chuyện chơi cũng đại sự như "công việc toàn thời gian" của bố mẹ và rất chuyên tâm cho công việc này. Nếu bố mẹ đi làm để lo cho tương lai gia đình thì con chơi cũng để chuẩn bị cho mình một tương lai xán lạn. Vì sao lại thế nhỉ?



Chơi đùa cùng nhau cũng giúp bé học tốt hơn các môn xã hội về sau - Ảnh: Gettyimages

Chơi giúp ích cho sự phát triển thể chất.
Tăng cường khả năng phối hợp, kỹ năng vận động tinh, kỹ năng vận động thô và sức mạnh của cơ là những ích lợi của việc chơi đùa. Nó cũng ngăn ngừa béo phì ở trẻ. Những đứa trẻ thường dùng thời gian rảnh của mình để chơi sẽ lớn lên trở thành một thiếu niên, một người trưởng thành năng động và khỏe mạnh. Trò chơi giác quan - vận động, trong đó dùng cả giác quan và cơ bắp, cho phép một đứa trẻ sơ sinh và chập chững khám phá về cơ thể của mình cùng những khả năng của nó. Đứa trẻ chưa đi học phát triển nhận thức này thông qua những hoạt động cơ nhỏ (như làm một việc gì đó bằng cả hai bàn tay) và những hoạt động cơ lớn (như đi bộ, chạy và trèo leo).

Bạn có thể làm gì? Hãy để đứa con chập chững của bạn đá một quả bóng, bò qua bãi cát ngoài biển hay khởi xướng trò chơi vỗ bàn tay. Thành thục được về mặt thể chất sẽ giúp con tự tin và có cảm giác đạt được thành quả.

Chơi giúp trẻ hiểu được cách mọi thứ vận hành.
Bạn đã bao giờ để ý thấy cách trẻ con làm đi làm lại một thứ gì đó? Dù đó là trèo lên cầu tuột rồi tuột xuống, làm đi làm lại như thế hoặc liên tục đá vào một quả bóng, thì những hoạt động này đều để dẫn đến một kết quả là sự thành thục. Trẻ con học cách làm chủ những kỹ năng mới thông qua việc chơi đi chơi lại; sau khi đã làm chủ được kỹ năng đó rồi thì tức là sắp chuyển sang một mức độ khác. Một khi trẻ nhỏ đã biết đi, bé sẽ nhăm nhe chạy. Một khi bé biết cách xếp các khối hộp, bé sẽ bắt đầu dựng lên những cấu trúc phức tạp hơn.

Bạn cần làm gì? Nếu con thích thú ngồi chơi với một món đồ chơi, đừng cố quyến rũ con bằng một món khác. Hãy để con trải nghiệm trò chơi lặp đi lặp lại cho đến khi bé thực sự đã thỏa mãn với việc "nghiên cứu" nó.

Chơi giúp phát triển khả năng suy nghĩ theo toán học.
Khi trẻ nhỏ chơi với những đoàn tàu, những miếng lắp ghép hay hầu hết các món đồ chơi khác, chúng đang trực tiếp chơi với toán học mà không biết. Chơi dạy cho trẻ nhỏ về mối quan hệ giữa những thứ khác nhau, do đó giúp chúng phát triển lối suy nghĩ giúp ích cho môn Toán học sau này.

Bạn cần làm gì? Hãy bày các khối lắp ráp Lego ra. Trẻ nhỏ biết nếu chúng chồng một khối Lego lên trên một khối khác, chúng sẽ có 2 khối. Chúng biết nếu chúng có 2 khối Lego còn bạn có 5, vậy là bạn có nhiều hơn. Thậm chí ngay cả khi chúng chẳng biết từ ngữ gì thì chúng cũng đã đang học tính cộng và tính trừ. Ai bảo bạn phải chờ đến khi vào mẫu giáo cơ chứ?

Chơi đùa giúp phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết.
Việc chơi đùa cùng những đứa trẻ khác đòi hỏi con bạn phải dùng và làm quen với ngôn ngữ. Những đứa nhỏ thường xuyên tham gia chơi, đặc biệt là các trò chơi đóng giả, cho thấy một sự vượt trội trong số từ vựng sử dụng, độ dài câu sử dụng cũng như độ phức tạp của ngôn ngữ mà chúng sử dụng.

Bạn có thể làm gì? Hãy cho con những khối hộp. Đúng vậy, những khối hộp. Vào năm 2007, một nghiên cứu được thực hiện trên 175 trẻ trước tuổi đi học, một nửa trong số đó được cho chơi với những khối hộp. Những đứa trẻ chơi với khối hộp đạt được điểm cao hơn đến 15% về từ vựng so với những trẻ không được chơi. Các tác giả của cuộc nghiên cứu nêu giả thiết rằng chơi với những khối hộp có thể thay thế cho những hoạt động khác không khuyến khích phát triển ngôn ngữ (chẳng hạn như TV hay các DVD dành cho bé) và có thể thậm chí tăng khả năng tập trung.

Chơi cho phép trẻ nhỏ nói lên những cảm xúc khó khăn của mình.
Những cảm xúc mạnh mẽ - mà nhất là những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, ghen tị, lo lắng và sợ hãi - có thể quá sức chịu đựng của trẻ nhỏ. Chơi đùa sẽ mang đến một lối thoát lành mạnh cho việc thể hiện những cảm xúc quá mức và tiêu cực đó, và do vậy bố mẹ rất cần cho con không gian để khám phá mình.

Bạn có thể làm gì? Hãy cho đứa con nhỏ của bạn không gian để thể hiện cảm xúc của bé, bất kể đó là gì, bằng cách chơi đùa. Nó sẽ giúp cho việc thể hiện cảm xúc của bé trong cuộc sống thực.

Đồ chơi rẻ mà hiệu quả
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng mình cần phải mua những món đồ chơi được yêu thích và đời mới nhất. Sự thật là: những món đồ chơi đơn giản cũng có tác dụng tốt không kém. Một số loại đồ chơi tích cực - những loại có chuông và còi - xúi giục trẻ chỉ việc ngồi xuống và chơi bằng cách nhấn vào các nút. Những loại trò chơi "thụ động" lại mới là thứ dành cho những đứa trẻ năng động. Khi món đồ chơi càng đơn giản, trẻ nhỏ càng buộc phải trở nên sáng tạo hơn, tích cực hơn và tham gia vào một cấp độ khác hẳn, tạo điều kiện và thúc đẩy sự phát triển. Dưới đây là vài loại đồ chơi đơn giản, không đắt tiền cùng với những ích lợi của chúng:

Khối hộp - phát triển kỹ năng vận động tinh và thô
Bong bóng xà phòng - phát triển khả năng quan sát và theo dõi
Búp bê - chơi đóng giả
Những chiếc hộp - tưởng tượng và sáng tạo
Những chiếc bát: Kích thích thính giác và hiểu về nguyên nhân - kết quả.

Nguồn: Webtretho (lược dịch)

10 lý do bạn nên chơi với con thật nhiều

Với bé, chơi cũng là "làm việc" đấy nhé! - Ảnh: Inmagine
(Webtretho) Mấy năm đầu đời, con xem chuyện chơi cũng đại sự như “công việc toàn thời gian” của bố mẹ và rất chuyên tâm cho công việc này. Nếu bố mẹ đi làm để lo cho tương lai gia đình thì con chơi cũng để chuẩn bị cho mình một tương lai xán lạn. Vì sao lại thế nhỉ?

Suốt thời thơ ấu, việc chơi đùa có mối liên hệ không gì lay chuyển được với việc học tập, hòa nhập xã hội, sự phát triển và thậm chí cả trí năng của trẻ. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc được tiếp cận với những “nguyên liệu” chơi (như đồ chơi và trò chơi) là một trong những cách phù hợp nhất để khơi dậy trí thông minh của trẻ. Đồ chơi của các bé không cần phải đắt tiền hay là món đồ hiện đại nhất, và không nên là đồ chơi chạy điện, vì như thế có nghĩa món đồ chơi ấy sẽ tự mình làm mọi thứ để phục vụ bé tận răng. Những món đồ chơi đơn giản, rẻ tiền, tự do (những thứ mà bé có thể chơi theo bất cứ cách nào mà bé muốn) sẽ tốt hơn nhiều.

Chơi giúp con thông mình hơn.

Giờ chơi và sự tương tác với đồ chơi là quan trọng nhất, qua đó con sẽ tiếp thu được nhiều kỹ năng cơ bản. Hãy để ý một đứa bé chơi với một bộ đồ chơi xe lửa. Bé không chỉ chủ động biết được thêm về xe lửa mà còn biết được các bánh xe vận hành ra sao, làm sao để sử dụng đường ray và thậm chí cả trọng lực hoạt động thế nào. Cũng chính đứa trẻ đó khi phân loại những chiếc xe lửa, bé sẽ học được về màu sắc, con số, kích cỡ và hình dáng.

Bạn có thể làm gì? Hãy tắt TV và các đĩa DVD giáo dục, và lấy ra búp bê, ô tô, những quả bóng và bong bóng xà phòng.

Chơi giúp phát triển kỹ năng xã hội.

Chờ đến lượt, hợp tác cùng nhau, tuân theo luật lệ, thông cảm và khả năng tự điều chỉnh – những thứ trên chỉ là vài trong số những kỹ năng xã hội mà việc chơi đùa nhấn mạnh đến. Nó giúp trẻ con hiểu được các quy tắc tương tác xã hội mà sẽ rất có giá trị trong mọi mối quan hệ sau này của bé. Những đứa trẻ có thể chơi chung tốt với nhau sẽ có thể hợp tác tốt với mọi người khác sau này, và nghĩa là chúng có kỹ năng xã hội tốt.

Bạn có thể làm gì? Dù là một buổi chơi chung hay một chuyến đi đến sân chơi thì cũng hãy cho con bạn cơ hội tiếp xúc với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Những lúc như thế sẽ tạo nền móng cho những mối quan hệ xã hội trong tương lai, đồng thời gây nên những “áp lực” khiến chúng hành xử theo những cách chúng ta trông đợi.


Nên cho bé có cơ hội tiếp xúc và chơi với những đứa trẻ khác - Ảnh: Gettyimages
Chơi giúp phát triển khả năng kiềm chế bốc đồng.

Người ta thường nói rằng chơi là công việc của trẻ con, và quả thật là thế, nó mang tính chất của công việc nhiều hơn ta tưởng. Đặc biệt, chơi tự do không phải là tự do. Đó là vấn đề của sự tự chủ và tuân theo những quy tắc xã hội. Những đứa trẻ từng tham gia vào trò chơi đóng kịch có thể rèn luyện được tính trách nhiệm xã hội cao hơn. Những đứa trẻ bốc đồng có xu hướng cho thấy sự tiến bộ tốt nhất khi được cho cơ hội chơi nhiều hơn.

Bạn có thể làm gì? Đừng quá vội vã tạo nên một lịch chơi khi cùng con ra ngoài hay tổ chức một buổi chơi chung với những nhà khác. Hãy cho con có cơ hội và đồ chơi để chơi (như quả bóng, những chiếc hộp và những khối nhiều hình thù) để tạo nên một buổi chơi “tự do” theo đúng nghĩa của nó.

Chơi làm giảm căng thẳng.

“Căng thẳng gì chứ?” bạn có thể đang tự hỏi như vậy. Chắc rồi, con bạn ngủ, ăn, và chơi bời gần hết thời gian của ngày, thế thì có gì mà căng thẳng chứ, nhưng tuổi thơ còn bao gồm cả việc học các quy tắc xã hội, kiềm chế những cơn bốc đồng, làm theo những điều mà người lớn nói và đối đầu với những “cuộc chia ly” – và đấy là chúng thậm chí chỉ mới vừa chập chững tập đi!


Chơi cũng căng thẳng lắm mẹ nhé! - Ảnh: Inmagine
Bạn có thể làm gì? Nếu bạn đang đối mặt với thứ nhiều khả năng là một tình huống gây lo lắng cho con (một cuộc hẹn khám bác sĩ, một bữa ăn cùng rất nhiều khuôn mặt xa lạ…) hãy cố gắng đến sớm cùng với đồ chơi và dành thời gian cùng con chơi vui trước đó. Như thế sẽ giúp gián tiếp chuyển sự chú ý của con khỏi nỗi lo sợ và giúp con làm quen với môi trường mới thông qua những sự khuyến khích quen thuộc.

Chơi giúp tăng cường khả năng tập trung, sự chú ý và trí nhớ.

Khả năng tập trung và chú ý là những kỹ năng học tập, và chơi là một trong những cách tự nhiên nhất và thú vị nhất để một đứa trẻ có thể bắt đầu phát triển những kỹ năng này. Tất cả chúng ta đều từng thấy một đứa trẻ chập chững mải mê chơi đến nỗi thậm chí không nghe thấy khi bạn gọi tên bé. Sự tập trung này cũng chính là kỹ năng mà một đứa trẻ cần trong những năm sau đó để viết một bài luận, lắng nghe một bài giảng hay biểu diễn một bản piano.

Bạn có thể làm gì? Thay vì nổi cáu khi con quá mải chơi với những khối đồ chơi của mình mà chẳng thèm ngẩng lên khi bạn gọi bé, hãy kiên nhẫn. Con bạn đang phát triển một kỹ năng quan trọng!

Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Babytalk

Thon gọn gương mặt bằng mẹo làm đẹp


5 loại thực phẩm dưới đây sẽ cực kỳ tốt cho các bạn gái bị béo mặt...
Thon gọn gương mặt bằng mẹo làm đẹp
- Đu đủ và sữa bò: Đu đủ có tác dụng giảm mỡ rất tốt, nó là thực phẩm tốt nhất dành cho các bạn gái béo mặt. Chỉ cần nửa quả đu đủ bỏ hạt, cắt miếng, cho vào 1 cốc sữa bò, cho vào máy xay là được.
- Ăn một bát canh sữa chua và rau chân vịt: Rau chân vịt coá chứa nhiều nguyên tố cần thiết để giảm béo, nhưng do rau chân vịt rất dễ bị mất đi thành phần dinh dưỡng trong qúa trình điều chế, do đó canh rau chân vịt thêm sữa chua sẽ là món ăn rất tốt để giảm béo. Rau chần qua nước, sau đó để ráo, thêm sữa chua là được.
- Ăn mầm đỗ mỗi khi thức đêm: Có thể do thức đêm, bận rộn hay uống nhiều nước làm cho mặt bạn bị sưng vào ngày hôm sau, khi đó bạn chỉ cần ăn một chút mầm đỗ, vì mầm đỗ có tác dụng giảm phù.

Canh ngô và bí xanh.
- Ăn canh ngô và bí xanh: Chỉ với tỏi, cấu kỷ, ngô và bí xanh cho vào nước sôi, sau đó cho cấu kỷ và ngô vào, đợi gần chín thì cho bí xanh vào, sau 3 phút là được. Tỏi sẽ giúp cơ thể nâng cao khả năng miễn dịch, cấu kỷ có tác dụng thanh nhiệt, kết hợp với ngô và bí xanh có tác dụng giảm phù, sẽ là món ăn tuyệt vời cho bạn.
- Uống 1 cốc nước chanh mỗi ngày: Chanh vốn là thực phẩm giảm béo rất tốt, nó chứa nhiều Vitamin C, acid chanh, acid quả, nhiều nguyên tố khác…rất tốt để giảm béo. Mỗi ngày chỉ cần uống một cốc nước canh sẽ giúp bạn có được làn da săn chắc, có tính đàn hồi, khuôn măt sẽ nhỏ nhắn và dễ thương.
Lifeinvn

Giảm béo từng bộ phận


Rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi họ chỉ bị béo một bộ phận nào đó ví như vùng mặt, vai, hay bắp chân. Vậy để làm sao, cho những phần cơ thể thon gọn lại như ý muốn?
Giảm béo từng bộ phận
Cần tây - giảm béo vùng mặt
Gặp bạn bè, nhiều người bảo bạn “béo thế”, dù lâu lắm rồi, bạn không tăng cân nào. Bạn soi gương cũng thấy, mặt mình tròn hơn trước. Thực ra, bạn chỉ béo mặt mà thôi. Bí quyết để giảm béo vùng mặt đó là uống thật ít nước vào buổi tối. Bạn cũng có thể ăn nhiều rau cần tây. Các chất có trong cần tây sẽ giúp bạn đốt đi lượng mỡ thừa trong cơ thể, đặc biệt là cơ vùng mặt.
Vòng 2 của bạn ngày càng “phì nhiêu” do công việc bạn phải ngồi nhiều, ít vận động. Hoặc nó chưa thể phục hồi lại được do những lần sinh nở trước đây. Bạn hãy thử dùng cà chua để lấy lại vóc dáng xem sao. Cà chua có khả năng hút mỡ, lại có chứa nhiều chất xơ, tốt cho việc hấp thu lượng mỡ dư thừa trong ruột, đẩy lượng mỡ và chất độc ra ngoài cơ thể. Sử dụng cà chua tốt nhất là trước bữa ăn.
Chanh leo - giảm béo cho vai
Là con gái, ai cũng ước ao có bờ vai mảnh mai, nhưng nhiều người buồn phiền vì mình “vai u thịt bắp”. Một trong những nguyên nhân gây béo vùng vai đó là do cơ thể hấp thu quá nhiều đường và chuyển hóa thành lớp mỡ dày. Vì thế, để giảm béo vùng vai, trước hết phải giảm lượng đường vào cơ thể. Và chanh leo là bài thuốc số 1, nhiệt lượng của chanh leo thấp, các chất xúc tác có chứa trong chanh leo giúp cơ thể giảm bớt sự hấp thụ đường.
Dưa hấu - giảm béo bụng chân
Dưa hấu có chứa nhiều chất limocitrin, đặc biệt là kali, chất này có tác dụng làm bắp chân thọn gọn hơn. Nếu bạn muốn bắp chân của mình thanh mảnh hơn, hãy ăn dưa hấu thường xuyên. Dưa hấu là loại quả có chứa đường, nhưng đừng lo, lượng đường đó không thể làm bạn tăng cân.
Củ cải trắng - thon gọn vùng đùi
Muốn giảm béo vùng đùi không phải là chuyện dễ. Bởi khi lượng mỡ của cả cơ thể tiêu hao gần hết, thì mới đến lượt mỡ ở đùi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh được rằng, củ cải trắng có tác dụng để giảm số đo vòng đùi của bạn. Củ cải trắng có tác dụng thúc đẩy các acid béo trao đổi chất nhiều hơn, tiêu hao nhiều mỡ hơn.
Yên Vân
Lifeinvn

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Khi đầu bé không tròn


Mình viết entry này muốn chia sẻ kinh nghiệm với các bà mẹ sắp "đoảng" giống mình  hoặc đã "đoảng" rồi thì cố gắng sửa sai  hoặc chưa biết mình "đoảng" thì rờ lại đầu con mình cho chắc ăn 
Hồi D. khoảng hơn 3 tháng ông xã mình phát hiện ra đầu D. bị dẹt một bên, lúc này hai vợ chồng mới để ý kĩ D. ngủ lúc nào cũng quay đầu sang bên trái về phía cửa sổ; từ đó mình bắt đầu chú ý hơn đến tư thế đầu khi D. nằm ngủ...
Thực ra lúc nào mình cũng để ý đặt nằm thẳng lưng trên mặt đệm cứng không kê gối như bác sĩ dặn; nhưng khi ngủ D. lại tự xoay đầu sang bên trái. Mình chủ quan không để ý chỉnh lại tư thế ngủ cho D. vì sợ làm con thức giấc. Đúng là nuôi con mỗi đứa mỗi khác, hồi Mia còn nhỏ mình cũng đặt nằm như vậy và Mia cũng nằm nghiêng đầu một bên khi ngủ nhưng có khác là  Mia tự xoay đầu chuyển đổi bên còn D. thì không 
Khi hỏi ý kiến bác sĩ của D. thì bác sĩ khuyên nên đưa D. đến bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Ông xã vội điện thoại lấy hẹn nhưng vì bác sĩ chỉ làm duy nhất có một buổi chiều ngày thứ Tư nên phải chờ đúng một tháng mới đến lượt hẹn (ông xã mình đùa bảo "vậy là có nhiều bạn giống D." ) Qua điện thoại bà phụ tá bác sĩ đã hướng dẫn sơ qua cách chỉnh tư thế nằm cho D. và bài tập thể dục cơ cổ. Bà phụ tá cũng nói yên tâm phát hiện đầu dẹt một bên ở tháng tuổi D. là còn sớm có thời gian chỉnh sửa dễ dàng; (trộm vía) từ bữa để ý đến tư thế nằm ngủ của D. hơn mình thấy phần dẹt bên trái đã đỡ đi một ít.
Thứ Tư 10/03 rồi đến gặp bác sĩ, vừa nhìn bác sĩ D. nhà ta đã cười toe toét lấy điểm  (D. giống Mia hồi nhỏ đi đâu cũng không lạ thấy người ta nói chuyện cứ tưởng 8 với mình cười toe toét tay chân đạp loạn xạ)  Điều đầu tiên bác sĩ khẳng định cái này chỉ mang tính thẩm mỹ chứ không hề ảnh hưởng gì đến phát triển trí não của bé; nếu kiên trì tập theo hướng dẫn của bác sĩ thì sau 4-6 tuần đầu sẽ cân đối trở lại. Trong trường hợp sau 6 tuần tập luyện đầu vẫn méo thì bác sĩ sẽ phải cho đội mũ định hình để cân đối lại xương đầu. Nghe nói phải đội trong vòng 8-10 tuần tùy theo độ dẹt tròn của đầu, kiểm tra đo tròn của đầu mỗi 2 tuần.
Bác sĩ dặn tập cơ cổ cho D. bằng cách đặt D. ngồi rồi lấy đồ chơi có màu sắc âm thanh hấp dẫn di chuyển qua lại để dụ D. quay đầu lại, tập ngày 3 lần khoảng 15 phút mỗi lần; thực ra 15 phút hình như hơi nhiều nên mình thường cho D. tập khoảng 5 phút ngưng rồi tập tiếp, nhiều khi phải linh hoạt tùy hứng nữa vì có khi tập được 2-3 phút chàng ta chán không thèm nhìn theo mà quay ra nhìn chị 2 chơi, nhiều lúc nhờ chị 2 tập cùng thì được vài lần chị bắt đầu phá đám... nói chung cố gắng cho D. quay cổ qua lại càng nhiều càng tốt để đêm ngủ sẽ linh hoạt xoay đổi tư thế đầu.
Kế đến là phải kê gối giữ cố định tư thế nằm cho D. sao cho đầu hướng về phía bên phải (vì D. dẹt đầu bên trái mà) Bác sĩ có cho xem mẫu một số loại gối, mình quyết định loại đơn giản nhất không quá nhiều chi tiết rườm rà để D. thoải mái khi ngủ, đặc biệt là không kê cao phần đầu để đảm bảo vẫn nằm thẳng lưng cho phần xương sống. Đêm đầu D. ngủ khá ngoan sang, đêm thứ hai ngủ không ngon giấc có lẽ do nhận biết được sự khác biệt ở tư thế nằm, vì vậy gần sáng mình chỉ để một bên gối giữ D. nằm hướng về phía tay phải thấy D. có vẻ dễ chịu hơn...
Photobucket 
Loại gối mình chọn cho D., sáng nay bỏ bên ngắn ra thấy D. dễ chịu hơn mà vẫn giữ được đầ ở tư thế mong muốn.Photobucket
Hy vọng là D. chịu hợp tác với bố mẹ để có cái đầu tròn đẹp trở lại, tương lai D. mà giống bố thì chảng có tóc mấy; đầu trọc mà bị méo thì xí giai lắm con trai ơi 

Một số lưu ý để tránh bé bị dẹt đầu
*Chú ý thay đổi tư thế đầu khi trẻ nằm ngủ. Tư thế nằm ngủ thẳng lưng luôn là tư thế an toàn nhất cho trẻ sơ sinh, vì vậy không nên cho trẻ nằm sấp ngủ chỉ vì sợ trẻ bị dẹt đầu.
**Khi trẻ thức đặt trẻ ở các tư thế sao cho cổ quay linh hoạt như bế đứng, bế sấp...
*** Tạo thói quen cho trẻ nằm sấp khi chơi, nếu trẻ chưa quen thì tập dần dần bằng cách để đồ chơi xung quanh để trẻ có khuynh hương vươn tới cầm nắm khám phá đồ chơi.

Cha mẹ nên ôm con ít nhất 3 lần mỗi ngày

Để vun đắp tình cảm với con cái, các bậc cha mẹ nên học cách ôm con, bởi sự tiếp xúc về mặt thân thể này không chỉ đem lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc mà còn giúp tạo nên một sợi dây liên kết tình cảm mật thiết.

Theo baby.qq, ôm con chính là cách kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em trong thời kỳ sơ sinh nếu ít được ôm ấp sẽ hay khóc, dễ sinh bệnh, tâm tình hay buồn phiền không yên; cho dù trẻ đã dần trưởng thành và học cách tự lập thì chúng vẫn cần đến “sự khích lệ” này. Những cái ôm sẽ giúp con trẻ hiểu ra rằng, dù bất cứ lúc nào, dù chúng có phạm phải lỗi lầm lớn đến đâu thì tình yêu cha mẹ dành cho chúng vẫn không hề thay đổi. Vì vậy, các bậc cha mẹ trẻ, mỗi ngày hãy ôm con ít nhất ba lần.

Cái ôm đầu tiên vào sáng sớm

Ở không ít gia đình, trẻ em khởi đầu ngày mới trong những tiếng cằn nhằn trách mắng của cha mẹ: “Làm cái gì mà chậm rề rề thế!” “Sao ăn có tí tẹo thế kia?” “Đầu óc làm sao thế hả, suốt ngày quên này quên nọ!”…

Những lời nói tiêu cực như vậy sẽ chỉ khiến cho trẻ cảm thấy không thoải mái, khó chịu và thế là tâm trạng vui vẻ để chuẩn bị cho một ngày mới cũng chẳng còn.

Trên thực tế, cho dù trẻ có làm sai việc gì hay tỏ thái độ bướng bỉnh, cáu gắt thì cũng hãy cứ ôm con trước đã, để chúng được ở trong vòng tay bạn ổn định lại tâm tư cảm xúc, sau đó hẵng nói những gì bạn muốn nhắc nhở, “Nãy mẹ/bố thấy sách của con vẫn còn để trên sopha, đã cho vào cặp chưa đấy?” “Mẹ/Bố con mình phải nhanh lên, không thì muộn mất.”…

Khi ấy dù bạn có căn dặn, nhắc nhở hết chuyện này đến chuyện khác thì con trẻ cũng ngoan ngoãn lắng nghe. Một ngày mới vui vẻ, tươi đẹp cũng theo đó mà mở ra.

Cái ôm thứ hai khi chiều tối

Chiều tối khi trẻ về nhà, nhìn thấy con, nhiều ông bố bà mẹ sẽ vừa làm việc nhà vừa hỏi một cách máy móc rằng: “Hôm nay ở nhà trẻ/trường có vui không?” Và câu trả lời của bé cũng thật ngắn gọn súc tích: “Vui ạ!”. Thực tế là bé đã từ chối câu hỏi của bạn, bởi bé nghĩ rằng bạn không tôn trọng bé.

Vì thế, dù bạn có bận rộn đến mấy thì cũng hãy bỏ xấp báo hay mớ rau trên tay xuống, dành cho con một cái ôm nồng nhiệt, con bạn sẽ cảm nhận được cảm giác “về nhà” thực sự, bé sẽ nghĩ rằng tất cả sự chú ý của bạn đều dành cả cho bé, thế là bé cũng sẽ rất sẵn lòng cùng bạn chia sẻ những điều thú vị và cả nỗi buồn phiền của bé.

“Trông con vui thế, có chuyện gì hay kể cho mẹ/bố nghe xem nào?”

“Con yêu, sao trông con buồn thế, có chuyện gì nói cho mẹ/bố được không?”

Ôm con vào lòng rồi bắt đầu câu chuyện như vậy, con sẽ nghĩ bạn hiểu chúng hoặc muốn hiểu chúng, mà điều con trẻ mong muốn cũng chính là “được cha mẹ hiểu”. Một cái ôm, một câu nói quan tâm chính là sự khích lệ tốt nhất để trẻ có thể giãi bày tâm sự.

Cái ôm thứ ba trước khi trẻ lên giường

Không ít phụ huynh bận bịu việc nhà cửa, chỉ muốn mau mau chóng chóng dỗ được con ngủ. Nhưng kì thực, từ thái độ qua loa đại khái của bạn mà trẻ có thể nhìn ra bạn đang hết kiên nhẫn với bé, để rồi bé cũng dùng thái độ hết kiên nhẫn như vậy đối phó với bạn.

Trên thực tế, những người làm cha mẹ dù cho cả ngày trời có bận rộn đến đâu, trước khi con ngủ chỉ cần ngồi bên giường con một lát, kể cho con nghe một hai câu chuyện nhỏ hay nói vài lời yêu thương, rồi nhè nhẹ ôm con, trẻ sẽ dễ dàng cảm nhận được tình yêu cha mẹ dành cho mình, mang theo sự quan tâm dịu dàng của cha mẹ mà tiến vào mộng đẹp.

Ôm chính là một cách để các bậc cha mẹ bày tỏ tình cảm với con cái, nói với con rằng bạn mãi yêu chúng. Tình yêu thương cảm nhận qua mỗi vòng tay ôm sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời con trẻ.

Bùi Thảo
Nguồn: vnexpress

Tác hại của công nghệ đối với trẻ nhỏ & Những lời khuyên cho phụ huynh

Hầu hết chúng ta đều biết ngồi lâu trước màn hình máy tính hay TV là không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với sức khỏe của trẻ em. Nhưng nếu không cho chúng tiếp cận với những phương tiện hiện đại đó thì trẻ dễ trở nên "lạc hậu" và thua kém bạn bè ở một số kỹ năng nhất định. Vậy ta nên cho trẻ xem TV, dùng máy tính bao lâu trong một ngày là đủ? Có nên để trẻ tiếp xúc với công nghệ quá sớm hay không? Những câu hỏi như thế luôn gây ra tranh cãi giữa các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua. Đặc biệt là trong một vài năm trở lại đây, khi iPad dần trở nên phổ biến cùng với sự xuất hiện của nhiều trang mạng xã hội càng làm cho trẻ mải mê chúi đầu vào máy tính hơn là các hoạt động sinh hoạt thường ngày.



Theo ông Larry Rosen, một tiến sĩ tâm lý học và là giảng viên ngành máy tính cho biết, những trang mạng xã hội như Facebook giúp trẻ em khẳng định được mình là ai trong thế giới này. Theo ông, trẻ em lên mạng có thể hành xử theo nhiều dạng bản năng giới tính khác nhau và nhận phản hồi từ các thành viên khác. Điều này giúp chúng có thể "sống thử" một cuộc sống như ngoài đời mà lại không gây hại cho người nào cả.

Mặc dù chính ông là người đề xuất đưa công nghệ vào việc nuôi dạy trẻ nhỏ, nhưng Rosen cũng nói rằng chúng ta rất dễ lạm dụng chúng. Nhiều bậc phụ huynh tin rằng việc ta lén chơi game một mình trong phòng riêng là một cách nuôi dạy con tốt để chúng không bị ảnh hưởng bởi game. Nhưng điều này lại gây ra một tác hại là khiến cho đứa trẻ của họ mất đi kỹ năng giao tiếp. Do đó, ứng dụng công nghệ trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ cần phải được chọn lựa kỹ càng và đúng đắn.



Còn theo bà Cris Rowan, một nhà trị liệu về khoa nhi, tác giả của cuốn sách "Đứa trẻ ảo: Sự thật kinh hoàng về ảnh hưởng của công nghệ đến trẻ em" thì lại thấy rằng chúng ta không có cách nào đảo ngược tình thế nếu trẻ bị nghiện đồ công nghệ. Bà Rowan nói: "Tôi từng nói với các phụ huynh có con bị nghiện công nghệ rằng vấn đề này cũng dễ giải quyết thôi, cứ "cấm cửa" không cho chúng tiếp cận với công nghệ nữa thì mọi chuyển sẽ trở nên ổn thỏa". Nhưng không, điều này hóa ra lại không đúng, bà Rowan cho biết. Khi bạn làm như thế thì sẽ làm "biến dạng" vĩnh viễn sự hình thành não bộ của trẻ và điều này không tốt chút nào cả. Khi được hỏi bà có nhận định thế nào về tương lai của những đứa trẻ luôn đắm chìm trong những thứ đồ công nghệ như hiện nay thì Rowan nói rằng: "Tôi thấy chúng đang chết dần chết mòn".

Theo một nghiên cứu có từ năm 2009 của tổ chức Kaiser Family Foundation, trẻ từ 8-18 tuổi đang tiếp xúc với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trung bình 7,5 tiếng/ngày. Trong khi đó, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ thì lại khuyến cáo thời gian nhìn vào màn hình trong một ngày không nên kéo dài quá 2 tiếng. Do đó bà Rowan cho biết công nghệ không có gì là tốt cho sức khỏe cả, bất cứ khi nào nhìn vào một món đồ công nghệ hay sử dụng nó thì đều không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Để dẫn chứng, bà Rowan trích dẫn kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Gary Small, Giám gốc trung tâm nghiên cứu tuổi tác và trí nhớ thuộc trường đại học Los Angeles, Mỹ. Theo đó, não bộ của trẻ em ngày nay, đặc biệt là thùy trán, đã và đang phát triển một cách khác xa não của bố mẹ chúng, mà nguyên nhân là do chúng tiếp xúc với công nghệ quá nhiều.

Bà Rowan cũng không ngần ngại trích dẫn tiếp một cuộc nghiên cứu khác chỉ ra rằng việc sử dụng công nghệ quá mức không những thay đổi thành phần hóa học của não mà nó còn gia tăng khả năng trẻ em bị mắc phải các chứng bệnh liên quan đến thần kinh và trí óc. Khả năng giao tiếp giữa những con người với nhau, giao tiếp bằng mắt, bằng lời nói là những điều cực kỳ quan trọng. Trong khi đó các thiết bị điện tử lại giới hạn những khả năng này của chúng ta. Do vậy mà gần đây, các nhà trị liệu và lâm sàng gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị mắc chứng rối loạn hành vi, suy nhược, lo lắng, cảm tính lưỡng cực, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Tất cả đều có liên quan đến việc sử dụng công nghệ quá mức. "Tôi đã làm việc với trẻ em trong suốt 25 năm qua nhưng chưa bao giờ nhìn thấy tình trạng này cả", bà Rowan nói, "Những cái mà chúng ta thấy được hiện nay chỉ mới là bề nổi của một tảng băng trôi mà thôi".



Nhưng trên hết, cả 2 nhà nghiên cứu Rosen và Rowan đều đồng ý rằng, việc sử dụng quá mức các mạng xã hội như Facebook có thể dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu sự đồng cảm và làm gia tăng tính tự yêu bản thân mình, quá chăm chút cho vẻ đẹp của mình. "Việc sử dụng Facebook quá mức của trẻ em ở độ tuổi teen có thể dẫn đến các vấn đề về mặt tâm lý", ông Rosen nói. Bản thân nền tảng công nghệ không có lỗi, nhưng cách mà chúng ta tương tác với nó mới có lỗi. Thay vì gặp mặt trực tiếp và nói chuyện, bạn có thể gõ vài dòng chữ lên màn hình rồi gửi chúng đi, trong khi lại không biết được người ở đầu dây bên kia đang có cảm xúc như thế nào, buồn, vui, cảm động hay thậm chí có đang khóc lóc hay không.

Tuy nhiên, cả 2 đều không cho rằng việc "cấm cửa" không cho trẻ sử dụng công nghệ là cần thiết. Vì trên thực tế đã từng có trường hợp một đứa trẻ ở bang Ohio của Mỹ đã giết hại chính mẹ ruột của mình sau khi hai vị phụ huynh này tịch thu trò chơi Halo 3 của nó.



Một bé gái rất hào hứng khi nhìn thấy chiếc máy tính bảng iPad và sử dụng nó rất thành thạo.

Vậy các bậc phụ huynh nên làm gì?

  • Không nên đặt TV trong phòng ngủ của trẻ. Điều này sẽ giúp bố mẹ giám sát được những thể loại, nội dung phim ảnh mà trẻ xem cũng như kiểm soát thời gian xem phim của chúng.
  • Khuyến khích cùng trẻ xem phim và TV. Bạn có thể vừa xem vừa trò chuyện với chúng, chơi game với trẻ và đừng quên lướt mắt kiểm tra những trang mạng xã hội mà chúng tham gia. Tuy nhiên Rosen cũng khuyến cáo rằng bạn không nên kết bạn với con của mình trên Facebook.
  • Lựa chọn loại thiết bị phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ông Rosen nói trẻ em tương tác khá tốt với những thiết bị có màn hình cảm ứng, điều này có lợi cho trẻ trong việc phát triển các hành vi thuộc về xúc giác. Thậm chí các đứa trẻ ở độ tuổi đến trường còn cho thấy khả năng kết hợp tốt giữa tay và mắt, kỹ năng ra quyết định một cách tuyệt vời thông qua một số trò chơi video. Còn đối với những trẻ lớn hơn một chút thì điện thoại di động lại có lợi trong việc bồi dưỡng khả năng giao tiếp của chúng. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy mạng xã hội làm giảm tính đồng cảm trong giới trẻ nhưng Rosen thấy rằng Facebook thật ra lại có lợi trong việc giao diếp và tương tác giữa các teen với nhau. Các đứa trẻ có thể làm được nhiều thứ trước màn hình máy tính mà vẫn cảm thấy an toàn, tự do và được ẩn mình, ông Rosen nói.
  • Đặt ra quy định không sử dụng đồ công nghệ nhưng sẽ có thời gian "giải lao". Ví dụ: khi ở nhà, trong lúc học bài hoặc ăn cơm cùng gia đình, bạn hãy yêu cầu chúng lật úp màn hình điện thoại xuống bàn và không được đụng tới nó. Nếu trẻ làm được điều đó trong suốt 15 phút thì hãy thưởng cho chúng bằng cách cho phép trẻ lật điện thoại lên xem và làm những điều mà chúng muốn ví dụ như nhắn tin, xem email, lướt web... trong vòng 1-2 phút.
  • Đừng tự đặt ra những quy định cưỡng chế đại loại như "mỗi ngày 1 tiếng, mỗi tuần 1 ngày, mỗi năm 1 tuần không ai được đụng đến bất cứ thứ đồ công nghệ nào". Điều này khiến cho một số gia đình cảm thấy hơi lo sợ do họ sẽ không biết phải nói chuyện với nhau như thế nào, hoặc không biết phải nói về đề tài gì.
  • Khuyến khích sử dụng những loại công nghệ "có lợi cho sức khỏe" mà theo Rowan thì iPod là một ví dụ. Vì chiếc máy nghe nhạc này không làm ảnh hưởng đến các hành vi giao tiếp xã hội của người sử dụng, nó cũng không "hút não" như một số trò chơi video hay kênh truyền hình. Tuy nhiên, ông Rosen cũng nói rằng hiện nay không dễ để chúng ta phân loại các thiết bị công nghệ theo chức năng bởi vì chúng đã được tích hợp quá nhiều thứ. Một chiếc smartphone cũng có thể xem TV hay "máy nghe nhạc" iPod touch cũng có thể chơi game, lướt web và xem phim. Vì thế nên lời khuyên là các bậc phụ huynh hãy kiểm soát con cái bằng việc giới hạn các ứng dụng mà trẻ có thể cài lên máy của mình.
  • Hãy tin tưởng vào trẻ. Mặc dù bạn thường xuyên kiểm tra profile của con mình trên các mạng xã hội nhưng hãy cho trẻ có cơ hội được "dọn dẹp" những thứ đáng lẽ ra không nên xuất hiện trong profile của chúng. Ví dụ bạn có thể cảnh báo với con mình rằng "trong vòng 24 tiếng nữa, bố hoặc mẹ sẽ ghé qua profile của con để xem đó, con liệu mà chuẩn bị nhé". Lúc này, bạn sẽ có toàn quyền được ghé nhìn profile của con mình một cách thoải mái mà không sợ chúng cảm thấy xấu hổ hay trở nên giận dỗi với mình.

Mặc dù cảnh báo trẻ em đang quá lạm dụng công nghệ là có thật, nhưng công bằng mà nói thì điều đó cũng đem lại một số lợi ích nhất định mà điều dễ thấy nhất đó là chúng sẽ rất thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị điện tử từ khi còn khá nhỏ. Chính vì vậy mà thế hệ trẻ em ngày nay đang phát triển theo hướng khác xa với cách mà trẻ em phát triển cách đây 15 năm, thời kỳ mà Facebook, MySpace, Google+ chưa xuất hiện và điện thoại di động chưa phát triển như bây giờ.

Theo Mashable
Nguồn: Tinh tế